Những ý kiến về đề án phát triển giao thông công cộng ở Hà Nội
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:03, 04/02/2017
Vì sao người tham gia giao thông bằng xe máy tăng nhanh?
Tôi thường xuyên đi xe buýt vì thấy an toàn, nhưng nhiều khi vẫn “buộc phải đi thêm xe ôm” mới đến đích mà mình cần vì phải đi bộ xa nơi có bến xe buýt, khi cần lại phải yêu cầu con dùng xe máy chở đi cho nhanh, thuận tiện hơn nhiều, nghĩa là vẫn có nhu cầu đi xe máy. Tôi có người quen ở cùng tòa nhà làm bên Gia Lâm, rất tiện đi xe buýt số 22 nhưng rồi cũng phải bỏ để chuyển sang đi xe máy cho thuận tiện, cơ động hơn, nhanh hơn. Điều này khiến người dân ở Hà Nội phải hình thành thói quen đi lại bằng xe máy hoặc xe cá nhân khác vì thuận tiện hơn so với đi lại bằng xe buýt.
Thay đổi thói quen này bằng cách nào?
Trước hết chính các cơ quan quản lý về giao thông của Hà Nội cần phải có đột phá trong “Quy hoạch phát triển giao thông công cộng” theo hướng mở rộng dần để khuyến khích người dân bỏ xe máy, chuyển sang đi lại bằng giao thông công cộng. Nói cách khác, do hoàn cảnh nên nhiều năm trước đây đã hình thành thói quen đi lại bằng xe máy, thì nay phải thay đổi hoàn cảnh để hình thành thói quen đi lại bằng xe công cộng như nhiều nước trên thế giới.
Những đề nghị
Đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố phát triển mạnh mạng lưới xe buýt, phủ kín cả khu vực nội thành, sau đó khớp nối giao thông, mở rộng ra ngoại thành. Ở tất cả các khu chung cư đều phải xây dựng lịch trình xe buýt thì mới tạo thuận lợi cho dân đi lại, không phải sử dụng xe máy. Khoảng cách giữa các bến xe buýt cần tính toán hợp lý để người dân không phải đi bộ quá xa mới tới điểm đích cần đến.
Tóm lại, tôi rất hoan nghênh đề án “Hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, thay đổi thói quen đi lại của người dân” từ 2016 đến 2026. Cùng với các giải pháp tuyên truyền giáo dục khác, trong đó sẽ có lúc buộc cán bộ, công nhân viên chức đi làm bằng giao thông công cộng mà mọi cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ.