Báo động ô nhiễm nguồn nước ngầm

Đời sống - Ngày đăng : 08:08, 04/02/2017

(HNM) - Theo Tổng cục Môi trường, hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Kết quả quan trắc đã phát hiện dấu hiệu gia tăng ô nhiễm với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần như hàm lượng amoni, asen, hữu cơ… đòi hỏi cần sớm có biện pháp khắc phục.


Hiện nay, 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nguồn nước và môi trường. Tại Việt Nam, mỗi năm có 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm nguồn nước. Với nguồn nước nhiễm asen, dù chỉ một liều lượng nhỏ nhưng qua thời gian sử dụng sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, giảm hồng cầu, bạch cầu, da sạm, rụng tóc, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, đau mắt, viêm dạ dày, ung thư... nếu nồng độ quá lớn thậm chí có thể khiến mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt, thâm tím và gây tử vong.

Bên cạnh đó, việc nguồn nước bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân và điều kiện thuận lợi bùng lên các dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng, tiêu chảy, bại liệt, giun sán, viêm não, đau mắt hột, nấm... Nước nhiễm kim loại nặng gây nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người sử dụng. Nước có hàm lượng sắt và mangan vượt ngưỡng khó được phát hiện bằng mắt thường, chỉ dễ nhận biết qua lớp cặn lắng dưới đáy bể hay thành các ống dẫn. Ngành chức năng đang cho phép mức tồn dư trong nước sinh hoạt của sắt là 0,3mg/l, còn mangan là 0,5mg/l.

Cách đây không lâu, Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, mực nước ngầm đang sụt giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi cũng không đạt tiêu chuẩn.

Ở Đồng bằng Bắc Bộ, mực nước ngầm hạ sâu, đặc biệt ở khu vực Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Vào mùa khô, 7/7 mẫu đều có hàm lượng amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) còn cho thấy, khu vực phía Nam Hà Nội, ô nhiễm asen nặng nhất, thậm chí đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc, đặc biệt tại một số khu vực thuộc phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), khu vực huyện Thanh Trì... Tại huyện Quốc Oai, hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Về nguyên nhân thì có nhiều, theo các nhà khoa học, nước có asen bắt nguồn từ việc con người sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu, đốt than, xỉ… Thêm vào đó, ở Hà Nội tình trạng giếng khoan tự phát tại các khu dân cư, giếng khoan khai thác nước quy mô nhỏ trong sản xuất, kinh doanh nhà hàng không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến thực tế khai thác và sử dụng tùy tiện. Một giếng khoan có đến hàng chục hộ sử dụng và các loại tạp chất thải ở gần khu vực khoan, ngấm xuống các tầng chứa nước ngầm gây nhiễm bẩn và lan xuống các tầng chứa nước. Theo các nhà khoa học, với mức độ nhiễm asen trên toàn vùng, nguyên nhân chủ yếu do địa chất trong đất chứa quặng sắt, ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nắm được vấn đề để tìm hướng xử lý là một trong những yêu cầu cấp bách. Mới đây, người dân Thủ đô đã rất phấn khởi trước việc chính quyền thành phố quan tâm nhiều đến chất lượng sống khi tiến hành lắp đặt 15 trạm quan trắc không khí tự động và sẽ lắp thêm gần 100 trạm quan trắc ở nhiều điểm trên toàn thành phố để có số liệu về ô nhiễm không khí trong thời gian tới.

Người dân ở nhà vẫn tra cứu trên internet về nơi ở của mình có ô nhiễm hay không, ô nhiễm như thế nào, cấp độ bao nhiêu. Đó là việc đáng mừng. Cùng với việc quan tâm đến chất lượng không khí, dư luận cũng mong các cấp có thẩm quyền quan tâm nhiều hơn, xử lý triệt để vấn đề về nguồn nước. Giảm tải sự ô nhiễm cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phương Nhi