Mang lại diện mạo mới cho Thủ đô

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 04/02/2017

(HNM) - Đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư là những vấn đề khó, với Hà Nội lại càng khó hơn. Tuy nhiên, năm 2016 công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các dự án quan trọng trong năm 2017, nhằm đem lại diện mạo mới cho Thủ đô.


Từ chỉ đạo quyết liệt...

Năm 2016, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác GPMB; giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì trong thực hiện GPMB; ủy quyền cho UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 66 Luật Đất đai 2013, đất sử dụng của các tổ chức trong cùng một dự án có hai loại đất là đất của hộ gia đình, cá nhân và của các tổ chức (Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 14-4-2016) và giao cho UBND cấp huyện làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB (Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 20-4-2016).

Đồng thời, UBND thành phố tập trung giải quyết nguyên tắc xác định giá nhà TĐC theo hướng phù hợp với thực tiễn; chấp thuận cho áp dụng một số biện pháp tự lo TĐC (Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND ngày 8-11-2016 về việc phê duyệt mức hỗ trợ tự lo TĐC bằng tiền đối với trường hợp được bố trí nhà TĐC).

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyến đường Vành đai 2 Cầu Giấy - Nhật Tân đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Khánh Huy
Năm 2016, trên toàn địa bàn đã phê duyệt 29.203 phương án với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 7.588 tỷ đồng, xét TĐC cho 1.112 trường hợp; đã chi trả 6.533 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 27.123 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và giao 824 căn hộ, lô đất TĐC cho hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, đã nhận bàn giao mặt bằng 1.037ha đất tại 360 dự án.

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác GPMB (Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15-9-2016), đây là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để công tác GPMB được tốt hơn. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong GPMB; rà soát lại toàn diện những mặt chưa làm được, tồn tại... để đổi mới trong bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Nghị quyết số 08-NQ/TU đã thể hiện những điểm nhấn trong chỉ đạo và thực hiện GPMB giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, trực tiếp là Chủ tịch UBND thành phố sẽ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc GPMB; Ban Chỉ đạo GPMB thành phố và các ngành là các cơ quan tham mưu; Bí thư cấp ủy các cấp phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về lĩnh vực GPMB; ủy quyền toàn bộ cho cấp huyện làm công tác GPMB; thu hồi đất; phê duyệt phương án, tổ chức thực hiện; giao cho chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện GPMB; đổi mới công tác TĐC: Mua nhà, đặt hàng nhà thương mại, khuyến khích người dân tự nguyện TĐC bằng tiền; GPMB tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư...

Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn khi nhu cầu đầu tư rất lớn, thành phố luôn chủ động, điều hành linh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đúng tiến độ. Chính sự phân cấp theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm từng khâu đã giúp nhiều dự án tiết kiệm đáng kể cho ngân sách.

... Đến những kết quả đáng mừng

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác GPMB vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Tiến độ một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch; công tác GPMB của một số dự án còn khó khăn làm kéo dài thời gian GPMB (như dự án Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng; tuyến đường sắt thí điểm đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (phần ga ngầm).

Sở dĩ còn tình trạng trên là do GPMB luôn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhạy cảm; việc chuẩn bị quỹ nhà, đất TĐC cho các hộ gia đình khi di chuyển còn thiếu, không kịp thời; vị trí TĐC chưa hấp dẫn và thuận lợi cho người dân; cơ chế chính sách về giá, thu hồi đất, GPMB thay đổi, điều chỉnh từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai 2013; công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc phân loại hồ sơ, xác định nguồn gốc đất đai để áp dụng chính sách GPMB.

Bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 của thành phố (tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 của HĐND thành phố); danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2017 được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 (944 công trình, dự án thu hồi đất, với diện tích hơn 3.000ha) và các dự án của Trung ương, các dự án chuyển tiếp của địa phương để triển khai GPMB các dự án bảo đảm theo tiến độ đề ra.

Dự kiến, năm 2017 sẽ thu hồi hơn 1.000ha đất tại hơn 400 dự án, chi trả hơn 8.000 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho khoảng 16.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí TĐC cho 1.500 hộ.

Để đạt được kết quả trên, năm 2017 và các năm tiếp theo, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch 192/KH-UBND (ngày 12-10-2016) của UBND thành phố; tiếp tục rà soát lại quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC nhằm phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, các chính sách hiện hành và thực tiễn Thủ đô để tham mưu giúp UBND thành phố hoàn thiện về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển quỹ nhà TĐC.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân trong diện GPMB hiểu, đồng thuận và chấp hành chủ trương của Nhà nước; thực hiện công tác GPMB công khai, minh bạch, đúng luật, bảo đảm công bằng, chính xác.

Trương Quang Thiều
Trưởng ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội