Làm du lịch thực thụ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 05/02/2017
Với Ngành Du lịch Thủ đô, trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo (ngày 26-6-2016), trong đó cũng đặt ra mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Với Ngành Du lịch cả nước, Nghị quyết 08-NQ/TƯ có thể xem như một chính sách mang tính “kiến tạo khung”. Nghị quyết không chỉ đưa ra những điểm mới mà còn xác lập vai trò của Ngành Du lịch trong tổng thể kinh tế vĩ mô. Từ chính sách mang tính “kiến tạo khung” này, các cơ quan chức năng, mỗi địa phương sẽ đưa ra các chính sách mang tính kiến tạo cụ thể, giải pháp cụ thể, bảo đảm cho sự phát triển lâu dài, bền vững của Ngành Du lịch.
Thực tế cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải làm du lịch một cách thực thụ. Bởi lẽ, bên cạnh những kết quả tích cực, Ngành Du lịch đang bộc lộ không ít khiếm khuyết, nhất là khi đặt trong tương quan với các nước dù ngay trong khu vực.
Vậy thế nào là làm du lịch một cách thực thụ? Đó trước hết là sự đoạn tuyệt với cách làm mang tính tự phát - “có gì bán nấy”, manh mún, tư duy “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”... diễn ra ở không ít địa phương lâu nay. Đồng thời, phải chấm dứt lối làm du lịch chộp giật, chặt chém... Để làm được điều đó, cơ quan chức năng phải “cân đối” lại các mục tiêu trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia cũng như từng địa phương mà Nghị quyết 08-NQ/TƯ đã gợi mở.
Du lịch - với từng cá nhân “thượng đế” - bao gồm chuỗi hoạt động: Khảo sát - đăng ký - đi - đến - ở, hưởng thụ. Chính vì thế, sự phát triển bền vững của Ngành Du lịch liên quan đến nhiều ngành cũng như gắn liền với những chuyển động của thị trường. Ở góc độ sản phẩm (du lịch), vấn đề đặt ra hiện nay là yêu cầu đa dạng hóa; ở góc độ dịch vụ, đó là yêu cầu chuyên nghiệp hóa, bảo đảm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Đây là hai yếu tố then chốt bảo đảm thành công của việc làm du lịch thực thụ. Trách nhiệm này, trên cơ sở chính sách từ phía cơ quan nhà nước, đặt lên vai của các hiệp hội (du lịch, lữ hành...), doanh nghiệp và từng cá nhân làm du lịch. Bởi Nhà nước chỉ có thể thiết kế chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch chứ không thể làm thay các hiệp hội, doanh nghiệp hay cá nhân.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong khu vực mạnh về du lịch so với nước ta như Thái Lan, Malaysia... Chính các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương phải “ngồi lại” với nhau để cùng tính toán đầu tư, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ... tránh tình cảnh sản phẩm nơi này na ná nơi kia, du khách chỉ biết đến - nghỉ và... về. Và trong khi chờ đợi những giải pháp có ý nghĩa lâu dài, điều có thể làm được ngay lúc này là các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch, người làm trực tiếp hoặc gián tiếp phải thống nhất nói “không” với “loại hình” du lịch chặt chém, chộp giật, thậm chí lừa đảo... Điều này cần sự tiếp sức từ phía cơ quan chức năng theo hướng tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm...
Làm du lịch thực thụ là một cách nói mà có thể diễn giải là: Chuyên nghiệp hóa - bám sát định hướng thị trường. Một cơ hội lớn đang mở ra và Ngành Du lịch cần nắm bắt một cách hiệu quả.