Thổi hơi thở hiện đại vào tranh dân gian

Văn hóa - Ngày đăng : 07:45, 05/02/2017

(HNM) - Có những người trẻ đang hào hứng với sáng tạo từ các dòng tranh dân gian, tạo bất ngờ cho công chúng. Cách của họ không phải là phục hồi, tái tạo y như người xưa đã làm, mà sử dụng công nghệ để thổi hơi thở mới vào những “Ngũ hổ”, “Tứ bình”, “Tứ quý”, “Đàn gà”…

Tác phẩm cắt dán giấy gà trống trong tranh Đông Hồ.


Nguyễn Xuân Lam là một người như thế. Anh thuộc thế hệ 9X, mới tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và rất đam mê đồ họa. Xuân Lam miệt mài tìm hiểu về các dòng tranh dân gian từ chùa chiền, bảo tàng đến sách báo rồi trên mạng... Sau đó, anh chọn những bức mình thích nhất để vẽ lại, chủ yếu là tranh Hàng Trống, Đông Hồ và một số bức tranh thờ miền Bắc.

“Tôi thực hiện trong 8 tháng, ban đầu là phác thảo bằng chì trên giấy, nét vẽ của chì luôn giữ được sự mộc mạc cho mỹ thuật truyền thống. Đến giai đoạn tô màu thì tôi dùng kỹ thuật đồ họa trên máy để mang đến sự uyển chuyển và bắt mắt hơn. Nhưng khi in, nhất là với những bức tranh khổ lớn, ít nhất phải mất năm lần bảy lượt mới lên được màu như ý”, Xuân Lam chia sẻ.

Nghệ sĩ trẻ vừa có triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” với 20 tác phẩm tại Hà Nội ngay trước Tết Nguyên đán. Các bức nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống như “Ngũ hổ”, “Bà chúa Thượng ngàn” hay dòng tranh Đông Hồ như “Gà trống và hoa hồng”, “Cá đàn”, “Lợn đàn”, “Vinh hoa”… được trưng bày với khổ lớn, màu sắc tươi sáng và hiện đại, khá thu hút người xem.

Ngoài tranh treo, Xuân Lam còn đưa những dòng tranh này vào việc thiết kế túi vải, sổ, lịch, bao lì xì, bình phong… “Thêm nhiều ứng dụng, thêm nhiều kết nối người trẻ với truyền thống, tôi mới chỉ bắt đầu, còn nhiều dự định với tranh dân gian”, Xuân Lam cho biết.

Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cũng có nhiều dụng công với bộ sưu tập áo dài tranh dân gian Hàng Trống ra mắt tháng 10-2016 và vẫn là một trong những bộ sưu tập được nhiều người chọn lựa, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán này. Cô cầu kỳ đến mức mỗi lần in vải xong lại mang đến nhà nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người được coi là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh vang danh Hà thành. nhờ ông góp ý về màu sắc và đường nét. Bởi vậy, mỗi thiết kế trong bộ sưu tập rất sống động, đẹp mắt và thấm đượm hồn xưa.

Nhóm thiết kế đồ họa Bratus lại có ý tưởng sáng tạo dựa trên cảm hứng có được từ hình tượng con gà trống rất đẹp mắt trong tranh Đông Hồ. Trên nền giấy dó, các bạn trẻ cắt dán giấy màu mỹ thuật tỉ mỉ, tương đối giống màu truyền thống. Phần đuôi, mào, cánh và bông hoa được chăm chút đặc biệt để tạo hiệu ứng nổi cho các thành phần trên tranh. Ngoài những sản phẩm thật gửi đến mọi người, nhóm thiết kế còn tạo hình trên mạng để người yêu thích có thể tải về, sử dụng làm hình nền máy tính, điện thoại nhân dịp năm mới Đinh Dậu.

Nhiều người trẻ đã bước vào nghệ thuật truyền thống với cách thức sáng tạo hiện đại, đó là điều đáng mừng. Điều được người trong giới kỳ vọng là sự bền bỉ và sức bứt phá của các bạn trẻ trên con đường này.

An Nhi