Căng thẳng "cuộc chiến" pháp lý
Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 07/02/2017
Sự việc bắt đầu khi ngày 4-2 Thẩm phán Liên bang Mỹ ở Seattle (bang Washington) James Robart ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của sắc lệnh hạn chế nhập cư mà Tổng thống D.Trump ban hành.
Thẩm phán James Robart, người ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống D.Trump. |
Theo đó, việc cấm công dân của 7 quốc gia Hồi giáo lớn gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày, đồng thời đình chỉ chương trình chấp nhận người tị nạn trong 120 ngày sẽ không được áp dụng trên toàn nước Mỹ. Phán quyết được đưa ra sau khi bang Washington và Minnesota nộp đơn kiện cho rằng chỉ lệnh của tổng thống nhằm vào người Hồi giáo là vi hiến, vi phạm quyền hiến định của người nhập cư cũng như gia đình họ. Phán quyết cho rằng bang Washington chịu thiệt hại do sắc lệnh của ông D.Trump khi sinh viên nước ngoài không thể quay lại Mỹ và nhiều doanh nghiệp gánh tổn thất. Trong khi đó, lập luận “sắc lệnh nhằm giúp nước Mỹ an toàn hơn” do Nhà Trắng đưa ra bị Thẩm phán Robart bác bỏ với lý do chưa có vụ tấn công nào trên đất Mỹ được thực hiện bởi các cá nhân đến từ 7 nước nói trên. Sau phán quyết, một số hãng hàng không gồm Qatar Airways, Air France, Etihad và Lufthansa đã bắt đầu cho phép người dân từ 7 quốc gia kể trên sử dụng dịch vụ vận chuyển của mình đến Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump không chấp nhận kết quả này, cho rằng phán quyết của Thẩm phán Robart là "nực cười" và khẳng định quyết tâm khôi phục lệnh cấm bằng mọi cách. Ngay sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức khiếu nại lên Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ khu vực 9 (gồm bang Washington và bang Minnesota), đề nghị bãi bỏ phán quyết của Thẩm phán Robart và khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, yêu cầu của Bộ Tư pháp đã bị bác bỏ tại Tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ và vì thế, phán quyết của Thẩm phán Robart nhằm tạm thời vô hiệu hóa sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của ông D.Trump vẫn tiếp tục có hiệu lực. Ông chủ Nhà Trắng sau đó đã tiếp tục mở rộng cuộc công kích nhằm vào hệ thống tư pháp Mỹ và nhấn mạnh sẽ yêu cầu Bộ An ninh nội địa kiểm soát dòng người ra vào Mỹ một cách cẩn thận hơn.
Sở dĩ Thẩm phán Robart có thể chặn được sắc lệnh của ông D.Trump là vì Nhà nước Mỹ được thiết kế theo mô hình tam quyền phân lập. Quốc hội nắm quyền lập pháp, tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp. Trong đó, hệ thống Tòa án Liên bang Mỹ gồm ba cấp độ: Tòa án địa phương - Tòa sơ thẩm, Tòa án khu vực - cấp phúc thẩm đầu tiên và Tòa án Tối cao - cấp phúc thẩm cao nhất. Các tòa này có quyền thẩm định một đạo luật hoặc một quy định nào đó của chính quyền có vi phạm hiến pháp hay xâm phạm quyền cá nhân của người dân hay không.
Câu hỏi được đặt ra là liệu số phận sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ sẽ ra sao và ai sẽ là người quyết định? Theo luật pháp Mỹ, sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống D.Trump mang tính ràng buộc về pháp lý và khó có thể bị Quốc hội bác bỏ. Tuy nhiên, nó chịu sự giám sát của Ngành Tư pháp. Tòa án cấp bang không thể bãi bỏ sắc lệnh của tổng thống mà chỉ có thể ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp. Thế nhưng Tòa án Tối cao lại có quyền lực này nếu tuyên bố sắc lệnh vi hiến. Tuy nhiên, quá trình đó có thể mất tới cả năm và chính quyền của Tổng thống D.Trump hoàn toàn có thể thay đổi hệ thống quy định về nhập cư của Mỹ để những phán quyết của tòa án gần như không còn phù hợp.
Dẫu vậy, sự lên tiếng của các cơ quan tư pháp Mỹ là lời cảnh báo nghiêm túc đối với Tổng thống D.Trump cũng như các quyết định được phát đi từ Nhà Trắng trong tương lai.