Để lễ hội không còn nhiều “sạn”...
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 07/02/2017
Sư thầy phát lộc tại chùa Hương. Ảnh: Zing. |
Bà Thân Thị Tuyết - Khu tập thể Z133 - phường Thượng Thanh (quận Long Biên): Nhiều nơi, lễ hội bị dung tục hóa, thương mại hóa
Mỗi năm chọn tham dự một vài lễ hội chính là cách tôi muốn con cháu hiểu được những giá trị văn hóa tốt đẹp trong lịch sử. Mỗi dịp như vậy, cả gia đình lại có dịp được cùng nhau khám phá những vùng đất mới, những nét đẹp văn hóa độc đáo của mỗi địa phương, mỗi vùng miền… Một điều dễ thấy ở bất cứ lễ hội nào, là số lượng du khách tham dự cũng rất đông. Điều đó cho thấy lễ hội và những giá trị văn hóa - lịch sử đang ngày càng có vị trí vững chắc trong lòng mỗi người dân. Nhưng bên cạnh đó, mỗi kỳ lễ hội thường có nhiều “hạt sạn” cần phải được dẹp bỏ. Rất nhiều người tham gia lễ hội với tâm lý cầu lợi, cầu danh. Không ít người lợi dụng lễ hội để lừa đảo, trộm cắp… khiến lễ hội mất đi nét đẹp vốn có.
Bà Nguyễn Thị Mai - phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng): Để lễ hội thực sự là những ngày hội...
Khi đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu tinh thần, trong đó có việc tham gia các lễ hội cũng ngày một lớn. Điều đáng tiếc là nhu cầu tham dự lễ hội tăng lên nhưng “văn hóa lễ hội” lại có chiều hướng đi xuống. Hầu hết các dịch vụ tại lễ hội đều có giá cao hơn nhiều lần so với ngày thường. Tại lễ hội chùa Hương, lượng du khách quá đông nên xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Không chỉ thả tiền từ cáp treo xuống núi, rải tiền xuống suối, nhiều du khách sau khi “thụ lộc” xong còn hồn nhiên xả rác ngay xuống dòng suối Yến… Dù Ban tổ chức đã đặt nhiều biển thông báo, tổ chức lực lượng bảo vệ, nhắc nhở, nhưng hầu như du khách không mấy quan tâm. Thiết nghĩ, với bất cứ lễ hội nào, nếu Ban tổ chức chú trọng siết chặt công tác tổ chức, kiểm soát và xử phạt nghiêm các trường hợp kinh doanh dịch vụ kém chất lượng, “chặt chém’ du khách; có biện pháp tuyên truyền và bố trí lực lượng nhắc nhở du khách thực hiện đúng các quy định chung… thì các lễ hội sẽ thu hút được nhiều du khách gần xa.
Bà Nguyễn Thị Thêu - huyện Ứng Hòa: Xây dựng chuẩn mực chung
Hiện nay, nhiều lễ hội đang có xu hướng tranh thủ kiếm lợi từ các dịch vụ ăn theo, “chặt chém” du khách từ phí trông giữ xe cho tới dịch vụ ẩm thực. Một số địa phương tranh thủ nguồn kinh phí nhà nước để khuếch trương, tổ chức lễ hội với quy mô lớn nhằm “thương mại hóa”. Với tâm lý đó, nếu không sớm được chấn chỉnh, e rằng du khách sẽ tẩy chay, một đi không trở lại và không ít lễ hội sẽ ngày càng tàn lụi. Duy trì và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc là điều vô cùng cần thiết, nhưng nếu cứ “buông lơi”, để cho các địa phương loay hoay tự tìm cách tổ chức lễ hội theo những cách riêng của mình thì những bất cập là điều khó tránh khỏi. Để xây dựng những chuẩn mực chung của văn hóa lễ hội, trước tiên là trách nhiệm của Ngành Văn hóa.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - phường Thành Công (quận Ba Đình): Cần bộ quy tắc ứng xử cho người dân và du khách tham gia
Những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều du khách tham quan gần xa. Nhiều lễ hội được tổ chức ngày càng tốt hơn, như lễ hội đền Cửa Ông - lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)… Song, vẫn còn rất nhiều nơi, văn hóa ứng xử của chính những người tham gia lễ hội còn thiếu chuẩn mực, khiến dư luận bức xúc như hiện tượng người dân xả rác không đúng nơi quy định; tình trạng bẻ cây, chen lấn xô đẩy để “cướp lộc” ở Đền Trần (Nam Định), cảnh giẫm đạp lên nhau trong lễ hội Cướp Phết cầu may ở Vĩnh Phúc; cảnh ném tiền xuống mặt hồ, đặt tiền vào tay tượng Phật ở lễ hội Chợ Viềng (Nam Định)… Theo tôi, để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của chính người dân, du khách tham gia lễ hội, và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, Ban tổ chức nơi diễn ra lễ hội. Để hạn chế những mặt trái của lễ hội, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, lên án những hành vi phản cảm, các nhà quản lý văn hóa cần có giải pháp mang tính tổng thể, như việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung cho người dân và du khách tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, các địa phương cần ý thức được vai trò của mình trong mỗi kỳ lễ hội để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.