Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025: Nhà nước sẽ kết nối, hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 07/02/2017
Sự tham gia của doanh nghiệp phụ trợ nội địa trong sản xuất, lắp ráp ô tô còn khá khiêm tốn.Ảnh: Bá Hoạt |
Chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện CNHT Việt Nam phát triển khá khiêm tốn. Đơn cử, trong lĩnh vực ô tô, mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa với xe đến 9 chỗ ngồi đạt 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt khoảng 7-10%. Tương tự, tỷ lệ giá trị gia tăng sản phẩm dệt may cũng mới đạt 51,1%; với Ngành Da giày là 20-25%... còn lại phải nhập khẩu.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1.383 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu tham gia ở công đoạn yêu cầu công nghệ giản đơn, có giá trị gia tăng thấp. Trình độ gia công của nhiều DN lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm. Một số DN dù đã quan tâm hơn đến công nghệ và phát triển sản phẩm mới, nhưng vẫn chưa thực sự coi trọng đúng mức. Kết quả điều tra của Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại 200 DN CNHT cho thấy, chỉ có 51 DN có nhu cầu đổi mới công nghệ (chiếm 25%). Mức độ đầu tư đổi mới công nghệ chỉ dừng ở mua sắm thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực…
Cần hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Sở dĩ có tình trạng trên là do còn nhiều điểm chưa gặp nhau giữa chính sách của Nhà nước và thực tiễn hoạt động sản xuất của DN. Đặc biệt là những chính sách liên quan đến giảm thuế nhập khẩu linh kiện, hỗ trợ đầu tư bước đầu cho DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Tiến sĩ Sakurada, Trưởng Dự án nghiên cứu phát triển CNHT Việt Nam, Việt Nam có thể áp dụng mô hình "Local Puloc Techlonogy Center-Kohsetsushi" của Nhật Bản.
Nhật Bản xếp CNHT là ngành sản xuất linh kiện, không phải ngành sản xuất ra thành phẩm, nên chia thành: DN cung cấp nguyên liệu thô, DN cung cấp máy móc khuôn mẫu, DN cung cấp linh kiện, DN lắp ráp và DN cung cấp nguyên vật liệu phụ, bao bì. Mỗi địa phương dựa trên thế mạnh của mình sẽ chọn một lĩnh vực trọng tâm để phát triển CNHT và hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT. Các trung tâm này được đầu tư đầy đủ thiết bị, máy móc để hỗ trợ DN kiểm tra chất lượng sản phẩm, kết nối với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu công nghệ, các nhà DN lớn nhập linh kiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản xuất nội địa; đến năm 2025, đáp ứng được 65% nhu cầu sản xuất nội địa.
Giai đoạn 2020-2025, Việt Nam sẽ tập trung phát triển CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu, gồm linh kiện phụ tùng, dệt may - da giày và công nghệ cao. Chương trình phát triển CNHT sẽ góp phần giảm giá thành một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, như: Ô tô, dệt may, da giày, điện tử do các DN lắp ráp sử dụng linh kiện tại chỗ. Về phía DN, bên cạnh quy hoạch và các chính sách hỗ trợ, còn cần sự thông thoáng trong tiếp cận vốn đầu tư và mở rộng nghiên cứu sản xuất.