Bài cuối: Nhiệm vụ nặng, trách nhiệm tăng

Giáo dục - Ngày đăng : 06:54, 08/02/2017

(HNM) - Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 22-8-2016 của UBND TP Hà Nội về triển khai công tác y tế học đường năm học 2016-2017 đặt mục tiêu: Củng cố nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh - yếu tố không thể thiếu để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiệ

Hướng dẫn học sinh biện pháp đề phòng các bệnh về đường hô hấp tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thái Hiền



Mục tiêu 100% trường học có phòng y tế

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song công tác chăm sóc sức khỏe học sinh đã dần đi vào nền nếp và có chất lượng. Tỷ lệ trường có hồ sơ quản lý sức khỏe của học sinh đã tăng từ 32% (năm 2010), lên gấp đôi ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh không phải là nhiệm vụ duy nhất của cán bộ y tế trường học (YTTH). Thực tế cuộc sống và nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường, cả mầm non và phổ thông, phải quan tâm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Vì vậy, ngoài sự vững vàng về năng lực thực hành, nhân viên YTTH còn phải có kiến thức, phương pháp truyền thông để truyền tải, giáo dục học sinh về những vấn đề khá phức tạp và không dễ đề cập như giới tính, bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân…

Tháng 12-2016, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức hội thi nhân viên y tế trường học giỏi với những nội dung rất cụ thể như: Hà hơi thổi ngạt, garo cầm máu vết thương, xử trí gãy xương đòn, xương cánh tay… Hội thi không chỉ nhằm tạo cơ hội để đội ngũ những người chung nhiệm vụ chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm mà còn là dịp để các cấp quản lý dành sự quan tâm thiết thực, đầu tư cho công tác YTTH hiệu quả hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, thời gian tới thành phố sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác YTTH cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Yêu cầu bắt buộc với các nhà trường là phải dành kinh phí theo quy định (từ ngân sách chi thường xuyên, trích từ nguồn bảo hiểm) để đầu tư. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên YTTH sẽ được quan tâm hơn về chất lượng, nhằm bảo đảm 2 yếu tố cơ bản là tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Hà Nội cũng sẽ tăng cường giám sát tủ thuốc tại trường học, với yêu cầu, đơn vị nào cũng phải có đủ cơ số thuốc theo quy định; có nhân viên y tế trực hằng ngày. Năm học 2016-2017, Hà Nội đặt mục tiêu 100% trường học có phòng y tế riêng, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh lớn và ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Điều 18, Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC chỉ rõ, mỗi trường học phải có nhân viên y tế và phòng y tế theo quy định. Đây là điều kiện được cấp kinh phí từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học. Tuy nhiên, trên cả nước, tỷ lệ trường có đủ điều kiện này mới đạt 50%. Như vậy, 50% số trường học còn lại học sinh chưa được hưởng quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm.



Không ít thách thức

Với yêu cầu chăm sóc, giáo dục học sinh tại trường hiện nay, nhất là các trường học của Hà Nội đều có quy mô rất lớn (nhiều trường có tới hơn 2 nghìn học sinh), có thể thấy, đội ngũ nhân viên YTTH đang đứng trước không ít thách thức. Trong khi đó, chưa có văn bản nào quy định, cứ bao nhiêu học sinh thì cần có một nhân viên YTTH. Thông thường, mỗi trường học chỉ có một nhân viên y tế, nơi thì có nhân viên y tế chuyên trách, nơi lại làm kiêm nhiệm. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại trường học rất lớn, song việc tuyển dụng nhân viên YTTH không đơn giản.

Thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là hiện chưa có mã ngạch đào tạo nguồn nhân viên y tế cho trường học. Khối lượng và áp lực công việc của nhân viên YTTH không kém gì các bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế, bệnh viện, nhưng thu nhập của nhân viên YTTH lại rất thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, nên không có nhiều người làm công tác này chuyên tâm, nhiệt huyết hoặc muốn gắn bó lâu dài.

Ông Nguyễn Tài Thành, nhân viên y tế Trường THPT Quốc Oai cho biết, trường có gần 1.900 học sinh, học 2 ca/ngày, trong khi chỉ có một mình phụ trách công tác YTTH. Áp lực lớn nhất với vị trí, nhiệm vụ này là phải làm 2 ca liên tục, bắt đầu từ 7h15 sáng đến 5h chiều, mỗi tuần làm 6 ngày. Học sinh dễ gặp nguy cơ mất an toàn vào đầu giờ hoặc lúc tan học khi di chuyển trong khuôn viên trường. Thậm chí, vào lúc gần trưa thường có học sinh bị tụt huyết áp, ngất xỉu… Nếu nhân viên y tế của trường không kịp thời có mặt thì mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em là khó lường. Khối lượng công việc và cường độ làm việc như vậy, nhiều khi không tránh khỏi sơ suất, khó kiểm soát hết tình hình.

Thực tế nêu trên cho thấy cần có thêm sự hỗ trợ tích cực và thiết thực hơn nữa cho công tác YTTH, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Thống Nhất