Củng cố niềm tin với rau an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 08/02/2017
HTX Nông nghiệp Minh Tân (huyện Thường Tín) hiện đã mở rộng được hơn 112ha trồng rau gia vị, trong đó gần 90ha đã được Ngành Nông nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Ngoài tổ chức tập huấn sản xuất cho xã viên, HTX đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong sản xuất RAT tới từng thôn, tổ, đội sản xuất và thành lập đoàn kiểm tra, phân loại cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Theo Phó Trưởng trạm Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Thường Tín Trần Thị Anh, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát sản xuất RAT và sử dụng thuốc BVTV của nông dân đến từng khu đồng, thửa ruộng. Còn huyện Thường Tín chỉ đạo thành lập nhóm, tổ giám sát sản xuất rau và kiểm tra chéo giữa các nhóm, đồng thời hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV trên rau…
Tại HTX Rau quả an toàn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), năm qua đã phối hợp với thị trấn Chúc Sơn tổ chức 2 đợt thu gom bao bì thuốc BVTV. Mới đây HTX được tiếp nhận mô hình ứng dụng công nghệ iMetos và phần mềm cảnh báo thời tiết, sâu bệnh, hỗ trợ sản xuất và quản lý RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua sự hỗ trợ của hệ thống iMetos với các kết quả cảnh báo thời tiết, dịch hại và hệ thống camera giám sát đồng ruộng giúp cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất rau tốt hơn. Về phía đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng sử dụng rau của HTX có thể giám sát quy trình sản xuất mọi lúc, mọi nơi.
Được biết, từ năm 2009 đến nay, Chi cục BVTV Hà Nội duy trì 150 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra sản xuất trực tiếp tại các vùng sản xuất RAT; tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất gần 4.420 lượt cửa hàng, doanh nghiệp, chi nhánh buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn thành phố; lắp đặt 4.300 thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV trên diện tích 2.150ha vùng sản xuất RAT trọng điểm của thành phố và tổ chức thu gom, vận chuyển, tiêu hủy theo quy định. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: Để hạn chế tình trạng rau xanh không rõ nguồn gốc trà trộn với RAT trên thị trường, Hà Nội đã đa dạng các hình thức kiểm soát, giám sát chất lượng theo chuỗi từ sơ chế, vận chuyển đến tiêu thụ.
Năm 2016, Chi cục BVTV Hà Nội ký bản cam kết kiểm soát RAT có sự phối hợp giữa bốn bên gồm: Trạm BVTV huyện - UBND xã - Hợp tác xã - Hội Phụ nữ (hoặc Hội Nông dân)... ở tất cả các vùng rau trọng điểm. Ngoài ra, tại các vùng RAT đều công khai các loại thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép để nông dân nắm bắt, sử dụng đúng và dễ dàng giám sát lẫn nhau trong sử dụng vật tư nông nghiệp. Chi cục đã xây dựng, vận hành thí điểm thành công 11 chuỗi RAT áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng...
Tuy nhiên, do sản xuất rau trên địa bàn thành phố nhỏ lẻ, manh mún, trong khi hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV khá nhiều nên khó quản lý... Nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong sản xuất, tiêu thụ RAT, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng về nông sản an toàn nói chung, RAT nói riêng, Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh RAT. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt về điều kiện pháp lý để kinh doanh, sơ chế đóng gói RAT, đặc biệt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra việc ghi nhãn, dán tem nhận diện sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT, tuyên dương các gương điển hình tốt, các kinh nghiệm hay; đồng thời xử lý nghiêm hộ dân không chấp hành đúng quy định về sản xuất RAT. Các HTX đẩy mạnh tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ghi chép sử dụng thuốc BVTV, lưu giữ hồ sơ phục vụ kiểm tra chéo giữa các nhóm sản xuất…