Để Hội phết Hiền Quan giữ đúng tinh thần, khí phách
Văn hóa - Ngày đăng : 19:30, 10/02/2017
Phần kéo quân của Hội phết diễn ra đúng kịch bản |
Truyền thống nghìn năm của Hội phết Hiền Quan
Theo lịch sử, Hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị Thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân. Hội diễn ra hai ngày nhưng hội chính là vào ngày 13 tháng Giêng.
Lễ hội phết Hiền Quan gồm bốn phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh phết. Trước đây, các thanh niên trong làng tham gia đánh phết nhưng vài năm gần đây, để tránh gây nguy hiểm cho người chơi (vì quả phết to và nặng, có thể gây thương tích), người Hiền Quan thay thế bằng hình thức tranh phết. Quả phết dùng để tranh cướp cũng được làm nhỏ, nhẹ hơn, phù hợp tay người chơi. Theo lệ làng, ngày 12 tháng Giêng, thanh niên tham gia tranh 3 quả phết; Ngày 13 tháng Giêng là 3 quả phết và 3 quả chúi.
Các quả phết và chúi được làm lễ tại đình Hiền Quan trước khi được rước ra khu đất trống để thanh niên tranh phết. |
Theo giải thích của những người cao tuổi của xã Hiền Quan, hình thức chơi tranh cướp phết là mô phỏng của một trận đánh ngày xưa, 3 quả phết tượng trưng cho pháo đánh của quân ta, 3 quả chúi tượng trưng cho pháo nguội của địch. Quả phết (hoặc chúi) sau khi được tế lễ ở đình Hiền Quan được rước ra bãi đất trống để thanh niên của làng tranh quả phết. Quả phết được tung đến đâu, thanh niên lại hò reo lao đến đó, tạo nên một làn sóng tranh giành quyết liệt, tiếng reo hò lấn át cả tiếng trống trận. Mục đích của việc tổ chức đánh phết (ngày nay là tranh phết) là để thanh niên, trai tráng trong làng rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng ra trận bảo vệ đất nước.
Phần kéo quân trên triền đê |
Những năm gần đây, Hội phết Hiền Quan chịu tiếng xấu là để diễn ra nhiều hình ảnh bạo lực, phản cảm vì thanh niên giẫm đạp lên nhau để tranh phết. Năm nay, thực hiện chỉ thị về tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, hạn chế bạo lực, Ban tổ chức (BTC) đã huy động lực lượng lớn an ninh, bảo vệ, thiết lâp hàng rào chắn giữa khu vực tranh phết với người xem. Người Hiền Quan cũng thay đổi thể lệ chơi khác mọi năm, chọn ra 100 thanh niên khỏe mạnh, chia làm 2 đội có đeo đai xanh, đỏ để phân biệt. Hội phết Hiền Quan 2017 vì thế được trông đợi sẽ quy củ, tuân thủ luật lệ hơn vì BTC đã triển khai một loạt giải pháp từ nhiều tháng trước đó.
Người làng vui, khách thập phương “xanh mặt”
Trưa 13 tháng Giêng, chúng tôi có mặt tại xã Hiền Quan (Phú Thọ) để tìm hiểu Hội phết của người dân nơi đây. Trước giờ khai hội, không khí lễ hội diễn ra khá nghiêm túc, suôn sẻ. Qua giờ Ngọ, những người cao tuổi trong làng nghiêm trang thực hiện tế lễ. Người dân dự hội trật tự, vui vẻ. Đám thanh niên của làng tập trung đông đảo ở khu “Hội chợ Hiền”, hiền hòa tham gia các trò chơi ngày xuân. Phụ nữ, trẻ em phấn khởi ngồi trên triền đê để đợi xem tranh phết vì với họ, đây là lễ hội lớn nhất trong năm, thời gian để con trẻ được thoải mãi đi chơi chợ Tết, ăn những món quà quê. Cho đến 14h30, khu vực diễn ra trò tranh phết vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lực lượng công an, bảo vệ. Không khí hiền lành của Hội phết trước giờ khai màn khiến cho nhiều du khách từ xa tới ngạc nhiên, vì so với những hình ảnh phản cảm đầy bạo lực được phản ánh trên báo chí, Hội phết Hiền Quan 2017 rõ ràng có vẻ bình yên.
Trước khi khai màn phần tranh phết, người dân vẫn đỉnh đương tham gia Hội chợ Hiền |
Hơn 15h, chỉ 5 phút trước khi trận tranh phết chính thức diễn ra, hàng trăm thanh niên ở phía ngoài hàng rào bảo vệ ồ ạt lao vào tham gia tranh phết cùng những thanh niên đã được chọn từ trước. Rõ ràng có sự “vỡ trận” vì mọi nỗ lực ngăn cản, sắp xếp trước đó của BTC đã không diễn ra như kịch bản. Gần như không còn luật lệ nào có thể cản được sự hăng hái quá mức của đám thanh niên. Đám người lao vào quả phết, ra sức tranh giành, xô đẩy nhau xuống cả hố ao bèo, rồi lại leo lên triền đê, lao xuống sông… Phết bay đến đâu, đám đông vây kín đến đó.
Trên bờ đê, người xem đứng đông đặc. Nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ tự chọn cho mình chỗ ngồi trên mô đất cao. Đàn ông và thanh niên đứng quây kín ở khu rào chắn. Nhìn đám người hiếu chiến mỗi lúc một hăng, trèo cả lên nhau để giành phết, phần lớn khách thập phương từ xa đến “xanh mặt” sợ hãi. Người đàn ông độ 40 tuổi, người làng Hiền, đứng gần tôi bảo: “Lần nào chả thế, có canh bằng giời thì thanh niên vẫn lao vào tranh thôi. Ai yếu tim tốt nhất đứng xa mà xem, đứng gần kiểu gì cũng bị đẩy”. Đám khán giả vừa hò reo cổ vũ, vừa rôm rả bình luận “trận chiến” chiều hôm trước (tức ngày 12 tháng Giêng). Nghe đâu, đoàn kiểm tra của Bộ xuống thị sát Hội phết, cuộc tranh phết chỉ “nghiêm túc” được độ 20 phút đầu, sau đó lại “vỡ trận”.
Khi màn tranh phết bắt đầu, rất đông người dân ồ ạt tham gia |
Mang những thắc mắc về khâu tổ chức dù rất nỗ lực nhưng vẫn bị “vỡ trận” và không thể nào ngăn cản được hàng trăm thanh niên lao vào cướp phết, ông Đỗ Văn Nhàn (xã Yên Quan), 73 tuổi, thư ký của hội làng, người nắm rõ thể lệ, quy ước của Hội phết cho biết: Hội phết ngày xưa ít người hơn vì chỉ có người làng với nhau, nhưng nhiều năm trở lại đây, hội được nhiều người biết đến nên số lượng người tham gia đông hơn rất nhiều, ai cũng muốn thử xem mình khỏe đến đâu. Ông Nhàn khẳng định, người tham gia tranh giành tại Hội phết có sứt sát chân tay nhưng chưa xảy ra trường hợp thương tích nặng.
Chúng tôi liên lạc với lãnh đạo xã Hiền Quan nhưng đều bị từ chối trả lời. Chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Văn Bình, người giữ kỷ lục tranh được 27 quả phết từ năm 2003 đến nay, năm nào tham gia tranh phết anh Bình cũng vượt qua cả nghìn người để giành chiến thắng. Những quả phết tranh được từ hội làng, anh đều mang về nhà đặt lên ban thờ gia tiên thắp hương. Anh Bình bảo, nhà nào có người tranh được phết đều làm như vậy vì cho đó là lộc may mắn đầu xuân.
Hàng trăm thanh niên tranh cướp phết quyết liệt. |
Anh Bình cho biết, kể từ năm anh tham gia tranh phết, hội lúc nào cũng đông, trong đó có cảtrai trong làng lẫn thanh niên làng ngoài vào. Có năm đã xảy ra bạo lực, nhưng chủ yếu là do thanh niên làng khác có mâu thuẫn với nhau, nhân việc tranh phết đến để gây hấn. Năm nay, do có lực lượng bảo vệ, công an đông nên dù hội phết vẫn diễn ra tranh giành quyết liệt nhưng không có hiện tượng đánh nhau.
“Việc tranh giành là điều đương nhiên xảy ra, nhưng người làng chúng tôi nhìn thấy nhau bao giờ cũng biết nương nhau để tranh phết, chứ không vì quả phết mà đánh nhau, xô xát theo kiểu hằn thù cá nhân. Từ bao đời nay, thanh niên ở làng coi việc tranh phết là để rèn luyện sức khỏe, dù có tranh được hay không thì người tham gia đều vui vẻ, chưa bao giờ người làng đánh lẫn nhau. Theo tôi, để tránh bạo lực thì tốt hơn là hạn chế thanh niên làng ngoài vào. Lực lượng bảo vệ, an ninh tốt như năm nay thì chắc chắn là không có đánh nhau đâu”, anh Bình tâm sự.
Anh Hà Văn Bình đang giữ kỷ lục là người giành được nhiều phết nhất, với 27 quả phết tranh được. Từ khi tham gia Hội phết (năm 2003) đến nay, năm nào anh cũng tranh được phết. Trong Hội phết Hiền Quan 2017, anh Bình tranh được 2 quả phết. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Nhàn cho biết, trước khi Hội phết diễn ra, BTC đã mời thanh niên trong làng, những người trong đội cướp phết đến đình làng để tuyên truyền, giáo dục tinh thần tham gia lễ hội. Thanh niên của làng hiểu rất rõ luật chơi và tham gia với tinh thần thượng võ, tranh phết để rèn luyện sức khỏe chứ không phải đánh nhau.
Hội phết Hiền Quan 2017 khép lại, dư âm về một “trận chiến” tranh phết vẫn để lại nhiều cảm giác khác nhau cho người dự hội. Tàn cuộc, người làng bình thản về nhà mình để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Khách thập phương lại mang nhiều tâm trạng vì người thích cảm giác mạnh coi chuyện đám đông tranh phết giống như một trò chơi thể thao; người yếu tim thì vẫn không thôi thắc mắc: vì sao đám thanh niên trai tráng lại chen nhau đến ngộp thở chỉ vì 1 quả phết bé nhỏ như quả bóng?
Hội phết Hiền Quan có truyền thống cả nghìn năm nay vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng. Nhưng rõ ràng, để Hội phết đẹp hơn trong mắt du khách thập phương thì công tác an ninh, ổn định trật tự vẫn luôn phải được siết chặt. Để hạn chế bạo lực từ những trò chơi (kể cả trò chơi dân gian) thì BTC cần phải có luật lệ rõ ràng, và hơn hết, những người tham gia cuộc chơi phải hiểu rõ luật ấy. Muốn vậy, khâu quan trọng nhất vẫn là giáo dục truyền thống của hội làng tới lớp trẻ, tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh đối với những người tham gia hội.