NASA muốn gửi thiết bị thăm dò sự sống lên vệ tinh của sao Mộc

Công nghệ - Ngày đăng : 12:57, 12/02/2017

(HNMO) - Ngay từ tháng 6-2016, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tập hợp 21 nhà khoa học để phát triển một hệ thống thăm dò dành riêng cho tiểu hành tinh Europa - một trong các vệ tinh của sao Mộc.


Gần tám tháng kể từ thời điểm nói trên, các nhà khoa học đã hoàn tất nhiệm vụ được giao và trình bày một thiết bị không gian hình hộp với khả năng di chuyển bằng chân có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra: tìm kiếm mọi vết tích của sự sống trong quá khứ cũng như vào thời điểm hiện tại trên Europa.

Sau đó, nó sẽ phải phân tích để xác định liệu Europa có thích nghi cho sinh vật phát triển hay không thông qua các mẫu vật thu được, trong đó đặc biệt chú trọng tới các loại không phải băng. Cuối cùng, thiết bị này sẽ phải giúp các nhà khoa học thu được một đánh giá tổng thể về tính chất vật chất bề mặt cũng như bên trong của Europa để làm tiền đề cho các nghiên cứu về lâu dài.

Tiểu hành tinh Europa là vệ tinh thứ sáu theo quỹ đạo từ trong ra ngoài của sao Mộc, được Galileo Galilei và Simon Marius phát hiện năm 1610. Europa có đường kính 3.100 km, nhỏ hơn Mặt Trăng một chút. Cấu tạo của Europa chủ yếu là đá silicate và có thể có lõi bằng sắt.

Tương quan kích thước của Europa và một số hành tinh khác.


Bề mặt của Europa được tạo thành từ những kiến tạo địa chất gần đây, có nhiều vết nứt và vỉa đá. Bề mặt trẻ và rất mịn này khiến các nhà khoa học tin rằng bên dưới lớp ngoài cùng của Europa là một lớp nước. Và rất có thể trong đại dương ngầm này đang ẩn giấu sự sống ngoài Trái Đất mà chúng ta đang tìm kiếm.

Thêm vào đó, nhiệt năng sản sinh ra do ma sát giữa các lớp vật chất của Europa dưới tác động của Sao Mộc đủ để giữ cho đại dương này luôn đủ ấm để không bị đóng băng và duy trì những hoạt động địa chất ở lớp vỏ ngoài của nó.

Tới nay, con người mới chỉ tiếp cận được Europa bằng những tàu vũ trụ bay ngang qua bề mặt vệ tinh này. Mặc dù vậy, những đặc điểm rất đáng chú ý của Europa khiến nó trở thành một trong những tiểu hành tinh có khả năng tồn tại sự sống cao nhất trong hệ Mặt Trời.

Nguyễn Thúc