Để hạn chế bội chi ngân sách

Tài chính - Ngày đăng : 06:45, 13/02/2017

(HNM) - Để hạn chế bội chi ngân sách cần có những giải pháp bảo đảm cân đối ngay từ đầu năm.

Tháng 1: Thu cao hơn chi

Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN tháng 1-2017 ước đạt 97,4 nghìn tỷ đồng, bằng 8% dự toán, 103,9% so với tháng 1-2016. Trong khi, tổng chi cân đối NSNN ước 87,25 nghìn tỷ đồng, bằng 6,3% dự toán.

Trong cơ cấu thu NSNN, thu nội địa ước đạt 87,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ dầu thô ước đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016. Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu ước đạt 19,2 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện cùng kỳ 2016.

Cần có giải pháp cân đối thu, chi cụ thể để hạn chế bội chi ngân sách.


Trong cơ cấu chi cân đối NSNN, chi bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội chiếm 86,2%; chi trả nợ lãi đến hạn chiếm khoảng 10,9%; riêng chi đầu tư phát triển, do đang trong quá trình phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư nên tiến độ chi đạt thấp, trong tháng 1 chủ yếu là thanh toán vốn cho các dự án thuộc kế hoạch năm 2016. Điều đó cũng có nghĩa trong những tháng tới, khi nhu cầu giải ngân dự án xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển tăng, tổng chi cân đối NSNN sẽ tăng, tạo áp lực lên thu ngân sách và bảo đảm dự toán bội chi Chính phủ đề ra.

Dù trong tháng 1, thu NSNN cao, song trong những tháng tới và cả năm 2017, tình trạng bội chi NSNN vẫn luôn là nỗi lo lớn. Được biết, Chính phủ đưa ra dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng, chi 1,39 triệu tỷ đồng, dự toán bội chi NSNN là 178 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP. Nhiệm vụ huy động trong năm 2017 là 340 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi là 184 nghìn tỷ đồng, trả nợ gốc là 156 nghìn tỷ đồng.

Trong dự toán bội chi NSNN có bội chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trái phiếu chính phủ, nhưng không bao gồm chi trả nợ gốc. Trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán sẽ bắt buộc phải giảm chi để không tăng bội chi NSNN; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý NSNN, quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020...

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong tháng 2 là tập trung thực hiện các giải pháp về thu NSNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu tăng thu; tăng cường đôn đốc quản lý nợ thuế, thu hồi theo đơn vị và thực hiện kiểm tra quản lý nợ thuế tại các Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh, thành phố.


Triệt để tiết kiệm

Theo Bộ Tài chính, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, trong đó có việc kiểm soát bội chi NSNN ở mức 3,5% GDP, từng bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm. Trong đó, đặc biệt chú trọng quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Ngoài ra, điều hành chi phải trong phạm vi dự toán chi được giao và tiến độ một số nguồn thu gắn liền với dự toán chi đầu tư phát triển (thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết,...); chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi thường xuyên, tiết kiệm triệt để ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình thực hiện, giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công, bảo đảm hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm...

Đối với đầu tư xây dựng cơ bản, Chính phủ đã đề nghị các địa phương phân bổ, giao dự toán ngay từ những ngày đầu năm và chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Song bên cạnh việc tiết kiệm, cũng có ý kiến cho rằng, để hạn chế bội chi NSNN, điều quan trọng là phải có các biện pháp chính sách cân đối thu và chi cụ thể, chú trọng nâng cao hiệu quả chi, thay vì cắt giảm đồng loạt chi tiêu và đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đặt cược... để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Hà Linh