Cần tích cực tuyên truyền, vận động
Đời sống - Ngày đăng : 08:19, 14/02/2017
NĐ 155/2016/NĐ-CP quy định, thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT thuộc về UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang làm nhiệm vụ BVMT tại các khu đô thị, khu chung cư… Lực lượng chức năng bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh… để xử lý người vi phạm. Quy định là thế nhưng trong thực tế không dễ để UBND và công an các xã, phường phân công, bố trí nhân lực làm nhiệm vụ này. Vì vậy, trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, trong đó các đoàn thể chính trị sẽ là nòng cốt tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên của mình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến BVMT, các hành vi vi phạm được đề cập trong NĐ. Qua đó sẽ góp phần nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân, mỗi người phải tự bài trừ những hành vi xấu. Khi cả cộng đồng nâng cao được ý thức và trách nhiệm thì chắc chắn những hành vi này cũng sẽ dần bị “triệt tiêu”.
Ông Nguyễn Văn An (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm): Không nên quá nóng vội
NĐ 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT có hiệu lực từ ngày 1-2. Tuy đã thực hiện nửa tháng nhưng những hành vi vi phạm được quy định trong NĐ chưa có nhiều chuyển biến. Tôi cho rằng đây cũng là việc bình thường, bởi lẽ cần phải có thời gian để công tác tuyên truyền, vận động “ngấm” được vào suy nghĩ, nhận thức của mỗi người. Bên cạnh đó, công tác giáo dục phải luôn được coi trọng để những thói hư, tật xấu phải bị bài trừ ngay từ trong ý thức của mỗi người, đó mới là cái gốc để có thể xóa bỏ được những hành vi xấu này. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát cũng phải được các cơ quan chức năng tăng cường để quy định sớm phát huy được hiệu quả trên thực tế.
Chị Nguyễn Hoàng Anh (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân): Tích cực tuyên truyền, vận động
Đây không phải là lần đầu tiên quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT được áp dụng, có khác hơn đó là mức phạt đối với các hành vi vi phạm đều tăng cao so với các quy định trước đó. Tôi cho rằng, không nên đòi hỏi quá cao vào hiệu quả tức thì của NĐ vì làm việc gì cũng phải có thời gian. Ví như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy trước đây chẳng hạn. Thời gian đầu ý thức chấp hành của nguời dân rất hạn chế, số người đội mũ bảo hiểm chiếm tỷ lệ thấp. Nhưng sau đó, cùng với việc chính quyền các cấp tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, các lực lượng chức năng ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm, đến nay đại đa số người dân đã thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm ra đường để bảo vệ chính mình. Để NĐ đi vào cuộc sống, theo tôi, trước mắt các cơ quan thông tin đại chúng cần phải vào cuộc, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng mở một đợt tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức người dân để người dân tự giác chấp hành.
Anh Bùi Mạnh Thắng (phường Phú Lãm, Hà Đông): Tổ trưởng tổ dân phố tăng cường kiểm tra, giám sát
Môi trường trong lành, người dân chính là chủ thể được hưởng lợi, môi trường bị ô nhiễm nó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Để thực hiện NĐ 155, theo tôi tổ trưởng các tổ dân phố nên tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT trên địa bàn. Vì tổ trưởng tổ dân phố là người nắm rõ nhất nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư, thậm chí nắm rõ ý thức chấp hành pháp luật, an ninh trật tự của từng hộ. Đối với các trường hợp thường xuyên vi phạm thì cần kịp thời kiến nghị UBND xã, phường, thị trấn xử lý theo đúng quy định.