Việt Nam sẵn sàng chung tay với quốc tế bảo vệ môi trường biển
Đối ngoại - Ngày đăng : 18:35, 14/02/2017
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự khai mạc phiên điều trần. (Ảnh: Nguyễn Hữu Hoàng/TTXVN) |
Chủ đề của phiên điều trần năm nay là "Một thế giới xanh lam: Bảo tồn các đại dương, bảo vệ hành tinh, đảm bảo lợi ích cho con người".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên điều trần.
Trong bài phát biểu tại phiên hai - thảo luận về lợi ích kinh tế của đại dương, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, kinh tế xanh lam là một xu hướng nổi trội của kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội và không gian phát triển rộng lớn cho các nước.
Tuy nhiên, sự thiếu cân bằng giữa khai thác và bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là tác động của con người phá vỡ nguyên trạng, hủy hoại môi trường biển đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh ở từng khu vực và trên quy mô toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, hòa bình, an ninh là điều kiện đầu tiên quyết định sự phát triển bền vững. Ở Đông Nam Á, để giải quyết vấn đề Biển Đông, các quốc gia đang nỗ lực hành động có trách nhiệm với mong muốn cùng tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), hướng tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Việt Nam là một quốc gia ven biển, có vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế và cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các ngành kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển.
Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển là trách nhiệm chung của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có nhiều nguồn lực tài chính và trình độ khoa học, công nghệ cao.
Với tinh thần hợp tác, Việt Nam sẵn sàng chung tay với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn lợi kinh tế biển, đồng thời gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của quốc gia.
Để đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa khai thác hiệu quả nguồn lợi của đại dương và việc bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đưa ra một số kiến nghị.
Thứ nhất, các nước thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo Công ước UNCLOS 1982, đảm bảo an ninh, an toàn vùng biển, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; đồng thời tuân thủ các nguyên tắc của các Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) và quy định của các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên.
Thứ hai là tăng cường xây dựng lòng tin thông qua thúc đẩy thực hiện “minh bạch hóa” thông tin môi trường ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia và ở các vùng biển tranh chấp.
Thứ ba, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về biển và hải đảo.
Thứ tư, Quốc hội các nước tích cực giám sát, đôn đốc các Chính phủ triển khai các biện pháp đối với các ngành du lịch, đánh bắt thủy hải sản và khai khoáng nhằm hạn chế tác động của những ngành này đối với môi trường biển và đại dương.
Thứ năm, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là ngư dân tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường biển trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Kiến nghị thứ sáu là tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước đang phát triển ven biển phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị IPU và Quốc hội các nước tiến hành rà soát thường xuyên việc thực hiện các cam kết và những đề xuất thông qua tại phiên họp này cũng như tại Hội nghị về biển và đại dương sắp tới nhằm đánh giá kết quả đạt được và các hạn chế, tồn tại để cùng đưa ra phương hướng giải quyết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại New York lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch IPU - ông Saber Chowdhury và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới - ông Martin Chungong.
Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã bày tỏ tin tưởng rằng IPU sẽ tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị trí của một tổ chức hợp tác liên Nghị viện lớn nhất trên thế giới, hỗ trợ thiết thực các Nghị viện thành viên vì hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển bền vững. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong nhiều năm qua, IPU và Quốc hội Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trong hơn 35 năm là thành viên có trách nhiệm của IPU, Quốc hội Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại tất cả các cuộc họp quan trọng của IPU vì sự phát triển chung của IPU.
Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ cùng IPU và Nghị viện các nước ưu tiên phát triển bền vững, lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia, đúng tinh thần "biến lời nói thành hành động" của Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại Hội đồng IPU-132 năm 2015 ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gửi lời cảm ơn Ngài Chủ tịch và các thành viên IPU đã tín nhiệm bầu Việt Nam vào Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2016-2019. Quốc hội Việt Nam xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu.
Đây cũng là nơi Quốc hội Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các Nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Hiện Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với IPU tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về Biến đổi khí hậu” vào giữa tháng 5-2017, trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV.
Về phần mình, ông Chowdhury - Chủ tịch IPU đánh giá cao vai trò của những kiến nghị, những chia sẻ của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động, các hội nghị của IPU và bày tỏ tin tưởng rằng những đóng góp mà đoàn Việt Nam mang đến phiên điều trần mang tính xây dựng và hữu ích cho IPU. Ông hy vọng hội nghị chuyên đề của IPU diễn ra tại Việt Nam tới đây sẽ giúp thúc đẩy việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào các chương trình hành động quốc gia.
Tại cuộc tiếp xúc trước đó với Chủ tịch Thượng viện Philippines - ông Aquilino “Koko” Pimentel III, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã điểm lại những kết quả tích cực đạt được trong quan hệ Việt Nam-Philippines trong hơn 40 năm qua và bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ tiếp tục phát triển quan hệ một cách thực chất, tăng cường quan hệ Quốc hội và giao lưu nhân dân, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chúc mừng Philippines trong năm nay sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 38 (AIPA 38).
Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng Đại Hội đồng AIPA 38 tại Philippines vào tháng 9-2017 sẽ là dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn mới cho AIPA sau 40 năm hình thành và phát triển./.