Vì sao giá rau xanh giảm mạnh?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 15/02/2017

(HNM) - Trái ngược với thị trường mọi năm, dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm nay, giá rau xanh tại các

Người tiêu dùng mua rau tại chợ Thanh Hà. Ảnh: Huy Khánh


Giá rau giảm kỷ lục

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX Rau an toàn (RAT) Tiền Lệ - Tiền Yên - Hoài Đức cho biết: Giá rau cải các loại tại HTX đang giảm 30% so với trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do nhiều đơn đặt hàng của HTX cho các bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học dù đã hoạt động trở lại nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 20-30% so với ngày thường. Vì vậy, 80% sản lượng RAT của HTX phải bán tại chợ đầu mối với giá thấp. Bên cạnh đó, thời tiết nắng ấm khiến rau xanh sinh trưởng, phát triển nhanh cũng góp phần làm giảm giá rau.

Bà Nguyễn Thị Mơ, một hộ trồng cà chua lâu năm tại xã Đông La, huyện Hoài Đức cho biết: Cả tháng nay, giá cà chua bán tại các chợ dân sinh và chợ đầu mối rất thấp. Nếu bán buôn tại chợ đầu mối chỉ được 2.000 đồng đến 2.500 đồng/kg, còn bán lẻ tại chợ dân sinh thì được 5.000 đồng/kg, dù rẻ nhưng sức mua cũng hạn chế.

Tại một số vùng rau của tỉnh Nghệ An, nông dân thu hoạch quả su su chỉ với giá 300 đồng/kg, bắp cải 500 đồng/chiếc, xà lách 2.000 đồng/kg… mà vẫn không có người mua, nông dân phải chuyển thành phân bón. Thực tế cho thấy, giá các loại rau xanh giảm mạnh chủ yếu là rau sản xuất theo kiểu truyền thống, còn giá các loại rau, củ, quả hữu cơ và RAT vẫn tương đối ổn định, giảm không đáng kể. Anh Trần Văn Du, chủ cửa hàng thực phẩm an toàn Vân Du, khu chung cư Hyundai - Hà Đông cho biết: Cửa hàng của anh bán các loại rau hữu cơ nhập từ huyện Phúc Thọ và tỉnh Hòa Bình, giá các mặt hàng tương đối ổn định và không giảm mạnh như ngoài chợ. Lý giải vấn đề này, anh Du cho biết, từ 3 tháng trước, cửa hàng đã ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất RAT và rau hữu cơ nên giá thị trường tăng hay giảm thì giá thu mua vẫn cố định.

Cùng chung quan điểm này, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân - Sóc Sơn cho biết, hiện giá thu mua rau, củ, quả hữu cơ ở xã Thanh Xuân vẫn ở mức trung bình 15.000 đồng/kg. Người trồng rau ở đây xác định, khi thị trường rau tăng giá do gặp thời tiết, thiên tai bất thường, nông dân vẫn giữ giá ổn định đối với các đơn vị thu mua, và ngược lại khi thị trường rớt giá, các cửa hàng cũng không ép nông dân giảm giá. Vì thế, tình hình sản xuất của nông dân vùng rau hữu cơ Sóc Sơn khá thuận lợi.

Lý giải về giá rau, củ, quả giảm mạnh trong 20 ngày qua, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng: Vụ đông xuân không chỉ là vụ rau chính của Hà Nội mà là vụ chính của toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng nên diện tích rau gieo trồng vụ này gấp đôi diện tích các vụ khác. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại rau chất lượng không bảo đảm, người dân ở nhiều vùng không chuyên canh rau cũng tăng gia sản xuất, tận dụng sân vườn, đất trống để trồng rau xanh nên sức mua giảm.


Chăm sóc rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Khánh Nguyên


Tăng cường thông tin thời tiết, thị trường cho nông dân

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, toàn thành phố có 12.000ha rau phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã, tương đương 29.000ha gieo trồng/ năm với sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm. Để giá rau xanh ổn định, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất rau theo mô hình VietGAP hoặc rau hữu cơ, đồng thời xây dựng các chuỗi tiêu thụ sản phẩm và tăng cường thông tin thị trường để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê mới đây của ngành Nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố mới có 48 chuỗi tiêu thụ RAT và rau hữu cơ với sản lượng 20.000 tấn/năm, chiếm 3% sản lượng rau của toàn thành phố, và 2% nhu cầu tiêu dùng. Do vậy, trước mắt các địa phương cần nhân rộng chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau xanh trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội cho hay: Cần đẩy mạnh mạng lưới sản xuất và tiêu thụ RAT theo quy hoạch, đồng thời tăng cường dự báo, đưa ra khuyến cáo về tình hình thời tiết, giá cả thị trường để nông dân và các HTX tham khảo, có kế hoạch gieo trồng phù hợp, tránh tình trạng xuống giống ồ ạt cùng chủng loại, cùng thời điểm.

Tại lễ khai trương hệ thống siêu thị UCAmart của Liên hiệp HTX Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (số 81 - Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) chiều 13-2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Để tránh rau, củ, quả nói riêng và nông sản nói chung bị rớt giá, “cung” vượt “cầu”, gây lãng phí và thiệt hại nặng nề cho người dân như thời gian qua, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Giải pháp quan trọng là phải xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, từng miền, có sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX, liên hiệp các HTX ở tất cả các khâu sản xuất và tiêu thụ. Có 3 việc cần làm ngay là: Tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên cơ sở sản xuất theo quy hoạch; Tổ chức lại sản xuất từ 13 triệu hộ thành một nền sản xuất quy mô lớn, tập trung; xây dựng được hệ thống phân phối nông sản minh bạch, hiện đại theo nhu cầu của thị trường.

Sơn Tùng