Thuộc quy chế, cân nhắc nguyện vọng
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:36, 16/02/2017
Ba "quy tắc" đỗ đại học
Hiện tại, các nhà trường trên địa bàn thành phố đang tập trung giảng dạy theo phân phối chương trình và tổ chức ôn tập. Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý, các trường căn cứ vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để xây dựng, biên soạn đề kiểm tra, tổ chức tập dượt cho HS làm quen với cấu trúc đề thi. Ngoài ra, các trường cũng cần tự biên soạn đề kiểm tra theo đề mẫu để tăng cơ hội thử sức cho HS.
Thí sinh làm bài tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Nhật Nam |
Tìm hiểu thực tế cho thấy, trong quá trình tổ chức cho HS ôn tập, các trường đặc biệt quan tâm nhắc nhở HS cân nhắc lựa chọn bài thi. Theo quy chế, HS THPT phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH), hoặc các em có thể làm cả 2 bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, nếu HS chọn làm cả 2 bài thi tổ hợp sẽ là rất nặng trong khâu ôn tập. Bài thi KHTN đòi hỏi HS phải nắm vững kiến thức ở cả lớp 10, 11, bởi có nhiều nội dung liên quan. Nếu chọn tổ hợp KHXH, thì chỉ cần nắm vững kiến thức lớp 12. Việc lựa chọn làm bài thi KHXH có phần bớt vất vả trong khâu ôn tập, nhưng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ ít hơn do có ít trường sử dụng môn thành phần của bài thi KHXH để xét tuyển hơn so với các môn thành phần của bài thi KHTN. Do vậy, HS cần cân nhắc thật kỹ nguyện vọng của mình để triển khai ôn tập sao cho tập trung, hiệu quả, không nên ôm đồm, dàn trải.
"Khi các em thuộc quy chế, nắm vững kiến thức, thì chắc chắn đỗ ĐH, CĐ, trừ khi bị điểm liệt hoặc đăng ký nguyện vọng (NV) ở tốp trường quá cao so với khả năng" - ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh. Quy chế năm nay cho phép HS được đăng ký không giới hạn số NV xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng các NV được xếp thứ tự ưu tiên. Phần mềm xét tuyển khi tính điểm, nếu xét NV1 đỗ rồi sẽ không xét nữa, không đỗ mới chuyển sang xét NV2; nếu ngành, trường nào có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu, thì sẽ xét thêm tiêu chí phụ, trong đó có tính đến mức độ ưu tiên NV.
Vì vậy, HS cần ghi nhớ: Khi đăng ký phải đặt ngành, trường thích nhất, có khả năng học nhất là NV1; không chọn những ngành, trường mà mình không thích học; chọn đăng ký một ngành, trường chắc chắn nhất. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh những năm trước trượt ĐH không phải vì điểm thấp, mà ngược lại, điểm rất cao, song do chọn NV không chuẩn.
Từ nay đến trước kỳ thi, Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát cho HS lớp 12 làm các bài thi với quy trình tương tự kỳ thi THPT quốc gia, nhằm giúp giáo viên, HS tập dượt, sẵn sàng bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất. Dự kiến, thời gian tổ chức khảo sát vào tháng 4-2017. |
Mỗi trường học là điểm đăng ký dự thi
Hà Nội có gần 300 đơn vị với khoảng 80.000 HS tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo kế hoạch, mỗi trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp sẽ là một đơn vị đăng ký dự thi (ĐKDT) dành cho HS của đơn vị mình. Ngoài ra, 30 phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã cũng sẽ bố trí điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT dành cho thí sinh tự do.
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh tự do, quy chế thi cho phép thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT có thể ĐKDT ở nơi này, nhưng thi ở nơi khác (ví dụ thí sinh ĐKDT ở Hà Nội, nhưng thời điểm thi lại đang công tác tại Huế, thì cũng có quyền thi tại Huế). Các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thí sinh tự do có NV được ôn tập tại đơn vị mình.
Liên quan đến việc ĐKDT của HS, ông Bùi Quang Thái, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) yêu cầu các nhà trường đặc biệt lưu ý giúp HS hoàn thiện hồ sơ ĐKDT đúng quy định. Một trong những sơ suất mà HS hay mắc nhất là thiếu chứng minh nhân dân, trong khi đây là "nút khóa" để phần mềm quản lý thi kiểm soát được việc HS có trùng nhau không, nếu không chính xác sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của HS. Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố đề nghị lực lượng công an tạo thuận lợi tối đa để HS kịp thời có chứng minh thư trước thời hạn ĐKDT. Các trường có trách nhiệm rà soát toàn bộ HS lớp 12, Sở GD-ĐT sẽ xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng, nếu để tồn tại việc này.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-6, vì vậy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi khá gấp gáp, song đòi hỏi phải chuẩn xác ngay từ thời điểm này.