Lời giải trước mắt... lời giải lâu dài!
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:07, 18/02/2017
Khu nhà ở SV Pháp Vân - Tứ Hiệp được đưa vào sử dụng từ tháng 1-2015 và theo mục tiêu ban đầu là khi hoàn thiện sẽ giải quyết vấn đề ăn, ở cho hàng nghìn SV các trường đại học trên địa bàn thành phố. Thế nhưng đến nay, số lượng SV đến đăng ký ở đây thưa vắng, tỏ ra kém hấp dẫn với loại hình ký túc xá (KTX) và nhà trọ tự phát. Lý do được đưa ra là khu nhà này nằm khuất trong Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, SV phải đi lại khá xa mới bắt được xe buýt và số tuyến buýt qua đây cũng rất ít. Các dịch vụ tiện ích thiết yếu khác như chợ, thể thao, giải trí… còn hạn chế. Tóm lại, những nhu cầu thiết thân trong sinh hoạt để làm sao SV yên tâm “an cư” vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Trong khi đó, Hà Nội hiện có gần 100 trường đại học, cao đẳng cùng nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp đóng trên địa bàn với tổng số trên 300.000 SV, chưa kể diện SV tốt nghiệp ra trường có nhu cầu học lên cao hoặc chưa tìm được việc làm nhưng vẫn sinh sống tại Hà Nội. Vì thế, việc giải quyết chỗ ăn, ở cho một lượng lớn SV luôn là bài toán nan giải đối với các trường đại học, cao đẳng và chính quyền thành phố. Thực tế cho thấy, số chỗ ở trong KTX rất hạn hẹp, chỉ có thể đáp ứng được 20% nhu cầu và thường chỉ dành cho con em gia đình chính sách. Vậy nên, việc ăn, ở của SV bấy lâu hầu hết dựa vào các nhà trọ dân doanh và bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ, an ninh trật tự, kể cả việc định hướng lối sống cho một bộ phận thế hệ trẻ cũng còn khó khăn…
Trên thực tế, chính sách phát triển nhà ở cho SV đã được quan tâm từ lâu. Ngày 24-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho SV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê. Sau đó, trên khắp cả nước, một loạt dự án xây KTX, nhà ở cho SV thuê được đầu tư xây dựng. Vậy nhưng sau một thời gian, nhiều dự án nhà ở diện này nằm trong tình trạng “đất có, nhu cầu cần nhưng không có vốn”.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách, đặc biệt nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong vấn đề xây dựng nhà ở SV tiếp tục gặp khó nên cách thực hiện tốt nhất hiện nay là xã hội hóa. Muốn làm được việc này rất cần có nghị quyết về xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở cho SV. Cùng với đó là vận dụng tối đa các cơ chế chính sách hiện hành để hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt... cho SV đang sinh sống tại các khu nhà ở tập trung do Nhà nước, doanh nghiệp xây dựng. Mặt khác, vấn đề đi lại, vui chơi thể thao, giải trí… cũng cần được xem xét tổng thể, xây dựng đồng bộ khi triển khai dự án. Lực lượng công an, chính quyền sở tại cần phối hợp với lãnh đạo các trường đại học và ban quản lý các khu nhà ở SV để làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ... đưa lại chất lượng cuộc sống, sinh hoạt tốt nhất cho SV.
Trở lại chuyện chuyển công năng sử dụng từ nhà ở dành cho SV sang nhà ở xã hội và dành cho người có thu nhập thấp để tránh lãng phí - rõ ràng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên vẫn rất cần những giải pháp lâu dài hơn cho bài toán phát triển hài hòa cả nhà ở xã hội, nhà ở dành cho SV... để đáp ứng hợp lý và hiệu quả nhu cầu thực tế.