Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ: Sáp nhập các ban quản lý dự án, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động

Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 19/02/2017

(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa thành lập 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trên cơ sở sáp nhập các ban quản lý dự án hiện có của các sở, ngành, địa phương để bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, các dự án đầu tư đang triển khai cũng sẽ được sắp xếp, điều chuyển về 5 “đầu mối” trên để quản lý, triển khai.



Nhiều đầu mối, thiếu chuyên nghiệp

- Trước đây, ngoài 4 ban quản lý (BQL) dự án trực thuộc UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện cũng có hàng chục BQL dự án khác nhau; trong đó, không ít đơn vị chồng chéo về nhiệm vụ. Quá nhiều “đầu mối” có phải là nguyên nhân để thành phố sắp xếp lại các BQL dự án?

- Trước đây, thành phố có tổng cộng 69 BQL dự án đầu tư xây dựng, để quản lý, triển khai các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, trực thuộc UBND thành phố có 4 BQL; trực thuộc 14 sở, ngành, đơn vị có 30 BQL và trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã có 35 BQL. Các BQL tuy thuộc các đơn vị khác nhau nhưng cơ cấu tổ chức, bộ máy nhìn chung giống nhau…

Thực hiện quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, các nghị định, thông tư hướng dẫn và đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, UBND TP Hà Nội đã sắp xếp, tổ chức lại các BQL chuyên ngành và khu vực theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, có đủ năng lực giúp UBND thành phố thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư, quản lý hiệu quả các dự án đầu tư. Theo đó, phân rõ các BQL làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình, còn các cơ quan quản lý nhà nước (sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã) chỉ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực được giao.

- Đơn vị thụ hưởng dự án cũng được giao làm chủ đầu tư, trong khi lại không có cán bộ chuyên môn về đầu tư, xây dựng, phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến tính chuyên nghiệp trong quản lý dự án chưa cao, vai trò của BQL dự án trước đây hạn chế?

- Với mô hình như trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án của thành phố do nhiều đầu mối thực hiện nên tính chuyên nghiệp không cao; nhiều đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng công trình cũng được giao làm chủ đầu tư nhưng không có BQL, không có cán bộ chuyên môn về đầu tư, xây dựng nên phải thuê tư vấn quản lý dự án. Các sở, ngành cũng được giao làm chủ đầu tư nhiều công trình, dự án nên chưa tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của ngành… Những tồn tại, bất cập này là một trong những nguyên nhân dẫn đến danh mục đầu tư bị dàn trải, tiến độ triển khai các dự án bị chậm.

Thống nhất, minh bạch, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước


- Căn cứ nào để thành phố quyết định hình thành 5 BQL dự án mới, thưa ông?

- Như đã nói, trước hết việc sắp xếp, tổ chức lại và hình thành các BQL dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành là để bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp. Các BQL dự án đủ năng lực giúp UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, quản lý có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn; tạo điều kiện để UBND thành phố có sự chỉ đạo thống nhất, có kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng.

Để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, UBND thành phố đã ban hành 5 quyết định thành lập 5 BQL dự án theo chuyên ngành, gồm: BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, trên cơ sở sáp nhập 8 đơn vị (là: BQL đầu tư và xây dựng khu đô thị mới; BQL dự án thuộc nguồn vốn ngân sách cấp - Sở Xây dựng; BQL phát triển công trình đô thị - Sở Xây dựng; BQL chỉnh trang đô thị - Sở Xây dựng; BQL dự án - Văn phòng UBND thành phố; BQL dự án Sở Giáo dục và Đào tạo; BQL dự án Sở Thông tin và Truyền thông; BQL các dự án từ nguồn vốn ngân sách - Sở Khoa học và Công nghệ). BQL này có nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư các công trình đô thị, nhà ở, văn phòng, trường học, trung tâm thương mại, chợ.

Thứ hai là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, trên cơ sở hợp nhất 7 đơn vị (gồm BQL dự án hạ tầng tả ngạn, BQL dự án hạ tầng khu công nghiệp thuộc BQL khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và 5 BQL dự án của Sở Giao thông - Vận tải). Nhiệm vụ của Ban là thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, cầu, đường, hạ tầng ngầm đô thị…

Thứ ba là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, trên cơ sở sáp nhập 3 BQL dự án chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiệm vụ của Ban là thực hiện các dự án đầu tư công trình lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, đê điều, thủy lợi…

Thứ tư là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội, trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị (là BQL dự án công trình trọng điểm đô thị; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thuộc Sở Xây dựng; BQL dự án Sở Lao động - Thương binh & Xã hội; BQL dự án Sở Y tế và BQL dự án Sở Văn hóa và Thể thao). Ban này thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, thể thao và du lịch.

Cuối cùng là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị (là BQL dự án thoát nước - Sở Xây dựng; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng; BQL các dự án đầu tư xây dựng tài nguyên môi trường Hà Nội - Sở Tài nguyên và Môi trường). Ban này thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh công cộng, xử lý cải thiện môi trường.

- Được biết, các BQL trước khi sáp nhập đang triển khai hàng trăm dự án đầu tư. Vậy quá trình chuyển giao dự án thực hiện thế nào để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai?


- Đến nay, thành phố đã hoàn tất việc sắp xếp tổ chức và các BQL dự án đã hoạt động. Đối với các dự án, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát và báo cáo thành phố, chuyển giao chủ đầu tư đợt 1 là những dự án đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các đơn vị trước khi hợp nhất vào 5 BQL dự án chuyên ngành của thành phố; đồng thời điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các BQL dự án chuyên ngành. Tổng số có 429 dự án được rà soát, báo cáo UBND thành phố xem xét chuyển chủ đầu tư đợt 1. Về cơ bản, các dự án không bị ảnh hưởng đến tiến độ.

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát và báo cáo thành phố chuyển giao chủ đầu tư đợt 2, đối với dự án hiện đang giao các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư.

Thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội

- Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư dự án từ ngân sách nhà nước, việc thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội cũng rất quan trọng. Năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư có cách làm hiệu quả nào để tham mưu cho lãnh đạo thành phố?

- Năm 2016, bên cạnh các hội nghị xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các đối tác trọng điểm trong nước và nước ngoài… thành phố đã giới thiệu danh mục 52 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và 43 dự án theo hình thức xã hội hóa, với tổng mức đầu tư 711 nghìn tỷ đồng… Năm 2017, để tăng cường thu hút đầu tư, Sở tiếp tục tham mưu với UBND thành phố triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư vào các dự án lớn, đối tác trọng điểm; rà soát, lập danh mục, phân công cụ thể đến từng cán bộ, công chức theo dõi, thúc đẩy dự án…

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn trong việc tham mưu thành phố, đặc biệt là gắn với tinh giản biên chế, đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc của công chức trên tinh thần phục vụ nhân dân, doanh nghiệp?

- Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Sở đã xây dựng Đề án rà soát, sắp xếp chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội trình UBND thành phố chấp thuận, ban hành Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Theo cơ cấu tổ chức mới, Sở hiện có 9 phòng và 1 đơn vị sự nghiệp, giảm 5 đơn vị. Sở cũng đã xây dựng quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính… Theo tôi, để đánh giá năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức thì kết quả đầu ra là yếu tố quan trọng nhất. Một cá nhân có năng lực, làm việc hiệu quả là khi đạt được các tiêu chí: Giải quyết công việc được giao, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, đúng hạn và chất lượng.

Năm 2017, Sở đặt một số mục tiêu, thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống, văn hóa ứng xử chuẩn mực công sở, nơi cư trú, địa điểm công cộng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở.

100% thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện thông qua cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; tối thiểu 40% TTHC thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4. Sở đã triển khai Đề án “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, phấn đấu tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp đạt 80%; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài (đối với các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư); đề xuất cắt giảm 40% thời gian giải quyết TTHC về đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài so với quy định...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hồng Sơn