Hướng tới lợi ích lâu dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:19, 19/02/2017
Tuy vậy, cần nói rằng ưu thế nói trên chưa được tận dụng một cách hiệu quả, cả trên phương diện đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng như góp phần phát triển du lịch. Nguyên nhân có nhiều, quan trọng nhất là đa số nhà hát chưa có được giải pháp phát triển phù hợp trong bối cảnh thị trường nghệ thuật chịu sự chi phối mạnh mẽ của truyền hình, điện ảnh, lượng khán giả đến với nghệ thuật truyền thống có xu hướng giảm. Sự phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và doanh nghiệp lữ hành đã được nêu ra, được coi là giải pháp quan trọng nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống, làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch nhưng hiệu quả phối hợp là khá hạn chế. Hiện tại, hiệu quả đó mới chỉ thấy rõ ở Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Vì sao mối quan hệ phối hợp giữa hai phía không tạo ra hiệu quả như mong đợi dù tất cả đều thừa nhận tầm quan trọng của việc này? Câu trả lời có trong thực tế, qua những lần “bắt tay” không thành công của hai phía. Như cách nay hơn chục năm, một số nhà hát trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện chương trình đồng hành cùng du lịch, xây dựng website Anh - Việt, thậm chí là xây dựng chương trình riêng cho khách du lịch nước ngoài, thử nghiệm diễn bằng tiếng Anh… Nhưng các đơn vị lữ hành không thể bảo đảm lượng khách thường xuyên cho các nhà hát như đã đạt được với Nhà hát Múa rối Thăng Long do gặp khó khăn về giá vé, về thời gian biểu diễn, về điều kiện di chuyển. Phía các đơn vị nghệ thuật than khó về kinh phí quảng bá chương trình, thiếu kịch mục hay cũng như kinh phí để dàn dựng và duy trì đủ số buổi diễn dành riêng cho khách du lịch…
Dù sao thì vẫn phải công nhận rằng trong cả hiện tại và tương lai, việc nâng cao khả năng phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và du lịch là một giải pháp quan trọng giúp cả hai phía cùng phát triển. Để mối quan hệ hợp tác đó đem lại lợi ích lâu dài, điều quan trọng là cả hai phía phải chủ động “ngồi lại” với nhau. Phía du lịch có thể và cần “đặt hàng” nghệ thuật - không chỉ là về loại hình nghệ thuật, thời lượng, thời gian mà còn là giá vé và điều kiện phục vụ kèm theo phù hợp với từng đối tượng khách - và đưa các buổi diễn tốt vào tour. Phía các đơn vị nghệ thuật cần đầu tư cho những kịch mục phù hợp với khách du lịch - những gì mà khách quốc tế chỉ có thể tìm thấy ở Hà Nội, Việt Nam, có thể giúp họ khám phá thêm về đặc trưng nổi bật của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Trên hành trình “xích lại” đó, cả hai phía cần thấu hiểu mối quan hệ cộng sinh giữa mình và đối tác, một mối quan hệ quan trọng tới mức mỗi phía có thể tạm quên đi mối lợi trước mắt để hướng tới lợi ích lớn hơn, bền vững trong tương lai. Để giúp thêm cho hai phía, cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật có thể nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp nhằm tạo sức bật cho mối quan hệ cùng có lợi đó, như cách mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm với Nhà hát Lớn Hà Nội vào giữa năm qua.