“Đại gia” Toshiba đối mặt khủng hoảng

Công nghệ - Ngày đăng : 07:39, 19/02/2017

(HNM) - Khoản thua lỗ khổng lồ lên tới 6,3 tỷ USD do trả giá quá cao cho vụ mua lại công ty năng lượng hạt nhân Chicago Bridge and Iron (CBI) đang khiến Toshiba, một trong số những tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản rơi vào khủng hoảng.


Sự hỗn loạn tại Toshiba trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ông Shigenori Shiga, Chủ tịch tập đoàn nộp đơn từ chức. Dù vậy, ông Shiga sẽ điều hành cho đến tháng 6 để giúp giải quyết các hậu quả từ vụ việc. Vụ thua lỗ được cho là liên quan hợp đồng được thực hiện bởi công ty con của tập đoàn này ở Mỹ, Westinghouse Electric. Công ty này đã mua lại một công ty chuyên về dịch vụ và sản xuất thiết bị năng lượng hạt nhân CBI trong năm 2015.

Tuy nhiên, Westinghouse Electric được cho là đã trả tiền quá mức cho vụ mua bán và cũng có tranh chấp trong việc trả tiền. Nguyên nhân là các nhà quản lý của Westinghouse đã gây áp lực "không hợp lý" lên những người chịu trách nhiệm xem xét chi tiết vụ mua bán ở thời điểm đó. Toshiba cũng thừa nhận, các áp lực quản lý đã phá vỡ kiểm soát nội bộ để rồi công ty rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Tập đoàn Toshiba có các khoản đầu tư trên nhiều lĩnh vực và hết sức đa dạng, từ sản xuất ti vi cho tới các lò phản ứng hạt nhân, đã gặp phải khó khăn trong những năm gần đây. Năm 2015, tập đoàn bị phát hiện đã báo khống lợi nhuận dẫn tới việc phải tổ chức tái cơ cấu diện rộng và bán tài sản. Sự việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Toshiba. Không những vậy, “đại gia” điện tử Nhật Bản còn vất vả chống đỡ với các khoản chi phí đội thêm cực lớn từ các dự án điện hạt nhân ở các bang Georgia và South Carolina ở Mỹ.

Theo các quy định trao đổi chứng khoán Tokyo, Toshiba phải công bố kết quả tài chính quý muộn nhất vào ngày 14-2. Tuy nhiên, tập đoàn này đã không thực hiện được và sau đó xin hoãn đến tháng 3 tới. Ngay sau khi Toshiba hoãn công bố báo cáo, giá cổ phiếu của tập đoàn đã giảm 9% và mất 50% giá trị so với tháng 12 năm ngoái. Toshiba đã cố gắng tránh khoản thiệt hại 6,3 tỷ USD bằng việc tìm cách bán 20% cổ phần mảng kinh doanh bộ nhớ vốn đang làm ăn có lãi ở thời điểm hiện tại. Thương vụ đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty bao gồm Western Digital, SK Hynix và MediaTek.

Tuy nhiên, thông tin hoãn công bố tài chính chưa phải là đáng lo ngại nhất. Theo tờ Nikkei, Toshiba sẽ đưa ra cảnh báo hãng có thể không kiểm soát được hoạt động sản xuất. Giới phân tích kinh tế dự đoán, tập đoàn có trên 200.000 nhân viên trên khắp Nhật Bản cùng hàng loạt khoản đầu tư lớn ở nước Mỹ, sẽ phải tuyên bố phá sản trong thời gian tới.

Ông Tom O’Sullivan, một chuyên gia phân tích sống tại Tokyo nhận định: “Đây là một trong số những tập đoàn lâu đời nhất của Nhật Bản và nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế nước này. Bởi vậy, sự kiện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Nhật Bản, kể cả đánh giá tín dụng của xứ Mặt trời mọc nếu như gây hiệu ứng lan rộng”.

Kim Phượng