Thêm phần căng thẳng
Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 19/02/2017
NATO tăng cường triển khai binh sĩ tại khu vực biên giới Nga. |
Trong bối cảnh liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang liên tục có động thái xung quanh biên giới Nga, rõ ràng những tuyên bố thẳng thừng của Tổng thống V.Putin là có cơ sở. Chỉ cách đây vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia đã ký thỏa thuận về triển khai nhanh quân đội đồng minh của NATO tại khu vực biên giới với Nga. Thỏa thuận chung được ký kết tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp nhận lực lượng phản ứng nhanh của NATO trong vòng 24 giờ và lực lượng đóng quân sơ bộ là 48 giờ.
Theo tờ The Wall Street Journal của Mỹ, với thỏa thuận trên, trong năm 2017, NATO sẽ triển khai khoảng 4.000 binh sĩ tại khu vực Baltic nhằm đối phó với cái gọi là “mối đe dọa từ Nga”. Việc điều động binh sĩ tới vùng Baltic và Ba Lan chỉ là một phần trong chiến lược chung của NATO. Các đơn vị của tổ chức này cũng có thể được triển khai tại bất kỳ quốc gia thành viên nào, từ Bồ Đào Nha cho đến Canada và Thổ Nhĩ Kỳ trong kế hoạch “triển khai lực lượng quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh” đến khu vực Đông Âu.
Sau khi thỏa thuận được ký, các động thái diễn ra trên thực địa rất đồng bộ và nhanh chóng. Mỹ và Tây Ban Nha đã bắt đầu triển khai kế hoạch đưa quân và vũ khí vào những nước láng giềng của Nga. Tại Romania, cảng ở Biển Đen bắt đầu đón nhận 500 binh sĩ Mỹ cùng một loạt xe tăng. Theo Đại sứ Mỹ tại Romania Hans G.Klemm, sự hiện diện của binh sĩ Mỹ “giúp tăng cường năng lực trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Châu Âu cũng như khu vực Biển Đen”.
Hồi tháng 1, một lượng lớn vũ khí cùng 4.000 lính Mỹ đã được đưa đến Ba Lan tập trận trước khi được triển khai tới các quốc gia vùng Baltic, Bulgaria, Romania và Đức. Ngoài Mỹ, Tây Ban Nha cũng chuẩn bị đưa 350 binh sĩ, 6 xe tăng và phương tiện bọc thép đến Latvia. Mục tiêu của hoạt động triển khai quân sự của Tây Ban Nha được tuyên bố là nhằm để củng cố an ninh cho Latvia và tăng cường sự hiện diện của NATO ở sườn phía Đông. Đức, Canada và Anh cũng đóng góp vào kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu.
Tại khu vực Biển Đen gần biên giới Nga, NATO cũng đang từng bước hiện diện. Ngày 16-2, tổ chức này đã khẳng định sẽ tăng cường các cuộc tập trận hải quân và hoạt động giám sát trên biển. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, quyết định trên chỉ mang tính chất phòng vệ và là một yếu tố trong nỗ lực điều chỉnh năng lực phòng thủ để "đáp ứng một môi trường an ninh ngày càng nhiều thách thức".
Ngay sau đó, cuộc tập trận chung PASSEX 2017 giữa Canada, Tây Ban Nha, Romania và Bulgaria đã được tiến hành ở phía Đông Biển Đen tại khu vực tiếp giáp một phần bờ biển Nga. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Bulgaria, cuộc tập trận bao gồm các nội dung "điều động chiến thuật, phòng không, đẩy lùi các cuộc tấn công không đối xứng của kẻ thù trên mặt nước, vận chuyển hàng hóa bằng trực thăng và các thao tác khác".
Với một loạt những động thái quân sự, mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đại sứ Nga tại NATO, ông Alexander Grushko cũng cảnh báo những hành động gần đây của NATO có thể đưa quan hệ Nga - NATO trở lại thời kỳ nguy hiểm. Sẽ là quá vội vàng để đề cập tới một cuộc xung đột quân sự giữa hai bên bởi khi điều đó xảy ra, hậu quả để lại đối với cả hai bên và hòa bình thế giới sẽ vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng dường như chưa thể được hóa giải trong tương lai gần.