Không chủ quan với cúm gia cầm

Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 23/02/2017

(HNM) - Dịch cúm gia cầm (CGC) A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc diễn biến khá phức tạp. Ở trong nước, CGC A/H5N6 xuất hiện ở một số địa phương. Trên địa bàn TP Hà Nội, dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiểm tra tình hình tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín).



Kiểm soát gia cầm đưa về Hà Nội

Phú Xuyên là một trong những huyện có lượng đàn gia cầm, thủy cầm lớn của TP Hà Nội, với 1,8 triệu con gia cầm. Tại đây, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn được thực hiện nghiêm túc theo quy định của ngành Thú y. Thực tế kiểm tra hộ gia đình ông Nguyễn Văn Linh, xã Châu Can, chuyên chăn nuôi ấp nở trứng gia cầm cho thấy, nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y nên đàn gia cầm khỏe, không có dấu hiệu bất thường.

Vào 11h ngày 22-2, tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín), một trong những chợ kinh doanh gia cầm lớn nhất miền Bắc, không khí buôn bán diễn ra tấp nập. Các tiểu thương buôn bán gà sống tại chợ khi được hỏi đều cho biết nắm rõ về tình hình dịch bệnh CGC của cả nước và các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ông Lê Xuân Viết - Trưởng ban Quản lý chợ cho biết, chợ có 161 ki ốt, số lượng gia cầm vận chuyển về chợ bình quân từ 15 đến 17 tấn/ngày, cao điểm dịp Tết Nguyên đán từ 40 đến 50 tấn/ngày. Trước tình hình dịch CGC bùng phát, Ban Quản lý chợ phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tiểu thương về sự nguy hiểm của dịch CGC; nghiêm cấm việc bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. 

Ông Nguyễn Lê Ngà, phụ trách Chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 5 tại chợ Hà Vỹ cho biết thêm, hằng ngày, cán bộ đơn vị trực 24/24 giờ ở chốt kiểm dịch kiểm tra giấy kiểm dịch; phun khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển gia cầm về chợ… Nhờ chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống nên ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm CGC.

Không lơ là, mất cảnh giác

Trước nguy cơ bùng phát cúm gia cầm, nhiều địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ giết mổ gia cầm. Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (Thường Tín) Nguyễn Duy Gia cho biết, xã Lê Lợi có 200 hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, quy mô từ 20 đến 50 con gia cầm/ngày. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, xã đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện Thường Tín tuyên truyền hằng ngày trên loa truyền thanh về sự nguy hiểm của dịch CGC, yêu cầu hộ giết mổ tuân thủ các điều kiện vệ sinh thú y, không nhập gia cầm lậu về giết mổ.

Theo Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, để hạn chế sự phát sinh, lây lan dịch bệnh, huyện vừa tổ chức triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường sau Tết Nguyên đán theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội. Huyện Thường Tín đã cấp 1.000 lít thuốc sát trùng để thực hiện vệ sinh ở các hộ chăn nuôi, chợ buôn bán gia cầm, khu giết mổ.

Trao đổi về công tác phòng, chống dịch CGC, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sự lưu hành của vi rút CGC đến tận hộ chăn nuôi, chợ kinh doanh gia cầm, khu giết mổ, đặc biệt là các làng giết mổ gia cầm lớn như: Bình Minh (Thanh Oai), Lê Lợi (Thường Tín)…, kiểm soát nguồn gia cầm từ các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ. Qua kiểm tra thực tế ở huyện Phú Xuyên, Thường Tín cho thấy, các địa phương đã làm tốt công tác phòng chống dịch, nhưng cần giám sát chặt chẽ việc người dân nhập đàn gia cầm mới về nuôi. Chính quyền địa phương phải triển khai thực hiện hiệu quả Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017 theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, trước sự nguy hiểm của dịch CGC, các cấp, các ngành cần tuyên truyền mạnh hơn nữa trên hệ thống loa truyền thanh của xã để người dân hiểu được tác hại của dịch CGC; kiểm dịch chặt chẽ ở chợ có kinh doanh gia cầm; khuyến cáo cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch CGC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, để không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Thành phố Hà Nội ra công điện yêu cầu tăng cường phòng, chống cúm gia cầm

(HNM) - Ngày 22-2, UBND TP Hà Nội ban hành công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Theo đó, các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch CGC; hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát dịch bệnh đến hộ chăn nuôi, tiêu độc và vệ sinh môi trường, tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc xuất, nhập gia cầm trên địa bàn, các điểm giết mổ, kinh doanh gia cầm; nghiêm cấm việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các quận; kiểm soát việc kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ tự phát...

Bài, ảnh: Ngọc Quỳnh