Thấy gì sau hai ca tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức?
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:20, 23/02/2017
Trước đó, ngày 21-2, Sở Y tế Hà Nội đã công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn, cho thấy quy trình gây mê, cấp cứu, sử dụng thuốc cho hai bệnh nhân trên đều đúng. Bệnh nhân Quách Thị Mai Phương (37 tuổi) và Hoàng Văn Trấn (31 tuổi) tử vong vào ngày 25-12-2016 tại BV Đa khoa Trí Đức là do sốc phản vệ. Như vậy, qua vụ việc hai ca tử vong trên có thể rút ra điều gì?
Ảnh: Dân trí |
Trong y khoa, sốc phản vệ là nỗi khiếp sợ không chỉ với bệnh nhân mà còn với các nhân viên y tế bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao. Tỷ lệ mắc sốc phản vệ ở Châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân; ở Mỹ, gần đây, tỷ lệ này là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, nhiều trường hợp đã tử vong. Có trường hợp được tiêm thuốc kháng sinh, chỉ 1 - 2 phút sau là tím tái, co thắt khí quản, trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê.
Tại BV Bạch Mai, mỗi năm, Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận khoảng 50 - 60 trường hợp sốc phản vệ được chuyển đến từ các cơ sở y tế khác. PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam chia sẻ, số ca sốc phản vệ tăng nhiều so với 5-10 năm trước, điều đáng ngại là không có dấu hiệu báo trước tình trạng bệnh. Các tình huống sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở BV, mà ở cả ngoài cộng đồng, do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, nếu y, bác sĩ biết đó là phản vệ, kịp thời cấp cứu thì 80-90% trường hợp có thể được cứu sống.
PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam cho biết thêm: Sốc phản vệ trong gây mê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Tai biến có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể. Đối với các ca phẫu thuật, các bác sĩ thường sử dụng test kiểm tra trước khi sử dụng thuốc cho người bệnh. Dù vậy, việc kiểm tra này không có giá trị phòng ngừa sốc phản vệ vì hiện nay chưa có một chuẩn mực nào về thử test và các test thử thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả.
Hiểu về sốc phản vệ giúp chúng ta duy trì sự cẩn trọng trong ăn uống, sử dụng thuốc, bình tĩnh trước các tình huống liên quan. Với các bác sĩ, việc xử lý tình huống nhanh, tuân thủ hướng dẫn cấp cứu đối với trường hợp sốc phản vệ là rất quan trọng bởi theo các chuyên gia, khi xảy ra sốc phản vệ, khoảng thời gian cần áp dụng giải pháp cần thiết chỉ tính bằng giây.