Đầu tư trước gần 600km đường cao tốc Bắc - Nam: Cấp thiết và tối ưu
Giao thông - Ngày đăng : 07:21, 24/02/2017
Đoạn cao tốc Pháp Vân - Nam Định đưa vào khai thác đã tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Anh Tuấn |
Vốn nhà nước chiếm 46,8%
Trước đây, trong đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Bộ GT-VT đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành đầu tư xây dựng 1.372km để nối thông toàn tuyến. Khi đó, Bộ GT-VT kiến nghị Chính phủ dành một gói ngân sách riêng khoảng 70.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức PPP (đối tác công - tư). Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ GT-VT chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong 5 năm (2016-2020) cho tất cả dự án, bao gồm một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam. Nếu dành toàn bộ nguồn tiền này để đầu tư cao tốc Bắc - Nam thì tất cả dự án khác sẽ phải dừng lại do không có vốn. Chính vì khó khăn về nguồn vốn nên trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, TEDI đã tính toán, đưa ra mục tiêu hoàn thành 573km vào năm 2022 với nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI cho biết, với phương án đầu tư theo phân kỳ, tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án (2017-2022) khoảng 88.530 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng, chiếm 46,8% và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư (vốn BOT) khoảng 47.116 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nằm trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, được sử dụng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến cao tốc theo quy hoạch, phần còn lại để hỗ trợ công tác khảo sát, lập dự án đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây lắp nhằm bảo đảm tính khả thi của phương án tài chính các dự án BOT.
Trên cơ sở nhu cầu vận tải, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giai đoạn 2016-2020, giai đoạn I sẽ đầu tư các phân đoạn có nhu cầu vận tải lớn, phù hợp với nguồn vốn. Cụ thể, trong giai đoạn này tận dụng các đoạn cao tốc đang khai thác gồm: Pháp Vân (Hà Nội) - Cao Bồ (Nam Định), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) và các đoạn cao tốc đang triển khai thi công gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh hiện hữu đoạn Bùng (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị)...
Cũng trong giai đoạn này sẽ mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) bảo đảm quy mô bốn làn xe cao tốc và xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An), Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) với quy mô bốn làn xe cao tốc và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai). Như vậy, đến năm 2022 đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sẽ khai thác với tổng chiều dài 737km, trong đó chiều dài đầu tư xây dựng giai đoạn I khoảng 573km.
Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ
Việc lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2016-2020 là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, luồng hàng hóa trên tuyến Bắc - Nam hiện nay chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, thậm chí đến năm 2030 vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GT-VT) cho biết, để triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Ban đang xây dựng các cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện. Các cơ chế, chính sách này bao gồm nhóm cơ chế, chính sách về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ; nhóm cơ chế, chính sách về tài chính, hợp đồng dự án và nhóm cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện dự án. Theo tính toán, từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng. Nếu không được chấp thuận một số cơ chế đặc thù về trình tự thủ tục, thì dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công vào năm 2020.