Trách nhiệm và tấm lòng!

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:11, 26/02/2017

(HNM) - Bảo đảm quyền lợi cho người có công không chỉ nhằm thực hiện một chủ trương đúng đắn và hết sức ý nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Đây còn là việc làm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.


Thông qua việc chăm sóc, thực hiện tốt chính sách người có công, cũng là cách gián tiếp để chúng ta lan tỏa niềm tin, nuôi dưỡng niềm tự hào trong các thế hệ người Việt Nam về những trang sử vẻ vang của đất nước.

Việc thực hiện chính sách với người có công lại có những đặc thù, phức tạp do lịch sử để lại, cũng như do sự nhạy cảm liên quan trực tiếp đến con người, đòi hỏi không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao mà còn cần đến tấm lòng. Một tấm lòng đủ rộng để thấu hiểu, chia sẻ, chủ động tìm giải pháp, công bằng trong giải quyết nhằm tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi song cũng không cứng nhắc, bỏ sót người xứng đáng…

Đặc biệt, thêm mỗi người có công được chăm sóc là thêm một niềm vui, nhưng nếu còn dù chỉ một bộ phận dẫu nhỏ người có công chưa được hưởng, hoặc chưa hưởng đầy đủ… các chính sách thì coi như chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Đây chính là lý do vì sao, con số 3.161 hồ sơ tồn đọng xét công nhận người có công trong số 8 triệu người có công trên cả nước, vẫn khiến chúng ta day dứt. Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ này đã đặt ra mục tiêu trước ngày 27-7-2017, các địa phương phải giải quyết cơ bản hồ sơ với liệt sĩ, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, đang tồn đọng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người có công.

Để thực hiện mục tiêu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng vốn thuộc diện rất phức tạp này trong năm 2017, ngành LĐ-TB&XH đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Đó là khoanh vùng, xác định rõ hai dạng hồ sơ tồn đọng để có những bước xử lý phù hợp. Bên cạnh đó là trực tiếp gửi văn bản tới lãnh đạo các địa phương nhằm huy động tổng lực hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cụ thể hơn, sẽ có hình thức thí điểm ở địa phương cấp huyện hoặc tương đương đối với những tỉnh có trên 50 hồ sơ; rồi cử tổ công tác trung ương làm việc trực tiếp với địa phương để giải quyết đối với những tỉnh, thành phố có từ 10 đến 50 hồ sơ…

Những giải pháp nêu trên vừa có tính bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, vừa thận trọng, thể hiện rõ quyết tâm của ngành. Song có thể nói, cho dù là giải pháp gì thì như trên đã nêu, chỉ có thực hiện đến cùng trách nhiệm và cộng thêm tấm lòng của những người thực thi nhiệm vụ mới có thể sớm giải quyết dứt điểm hàng nghìn hồ sơ tồn đọng.

Thực tế cho thấy, những hồ sơ tồn đọng là những trường hợp "không ai giống ai", thậm chí chưa có tiền lệ, với nhiều khó khăn về giấy tờ, người làm chứng… Nhưng chính việc trao trách nhiệm rõ ràng, cùng sự tận tâm của người thực hiện sẽ khiến các địa phương và ngành LĐ-TB&XH kết nối chặt chẽ với nhau, tìm ra những cách thức xác minh hợp lý, hợp tình… Đặc biệt, thông qua truyền thông đại chúng, qua hệ thống tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp chúng ta cũng sẽ kêu gọi tinh thần trách nhiệm từ chính người dân trong giám sát, thẩm định hồ sơ về người có công. Kết quả đạt được trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã cho thấy rõ hiệu quả nhờ sự ủng hộ và vào cuộc tích cực này.

Ngày 27-7-2017 sắp tới, ngoài trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đã đề ra thì nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng về người có công còn là biểu hiện cụ thể về tấm lòng của chúng ta tri ân công lao của các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 

Hà An