Bài cuối: Cách nào “cởi trói”?

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 28/02/2017

(HNM) - Để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho xã hội và hướng tới sự hài lòng của người dân, Hà Nội đang có những bước đột phá cả về lượng và chất, đưa ra nhiều giải pháp, nhằm


Không thay đổi, khó “hút” bệnh nhân

Giám đốc BV Đa khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên cho rằng, quá tải ở tuyến trên có phần nguyên nhân do mạng lưới YTCS hoạt động kém hiệu quả. Ngoài cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, khó khăn lớn nhất không chỉ các trạm y tế, mà ngay cả bệnh viện tuyến huyện phải đối mặt, đó là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng.

Chăm sóc sức khỏe người dân tại Trạm y tế xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt


Xác định rõ YTCS là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi đau ốm, huyện Sóc Sơn là một trong những địa phương đã và đang thực hiện tốt công tác quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân theo mô hình chăm sóc y tế gia đình. Từ tháng 7-2014 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã triển khai quản lý 100% hồ sơ sức khỏe người dân theo mô hình chăm sóc y tế gia đình tại 26 trạm y tế xã, thị trấn và 4 phòng khám đa khoa khu vực.

Từ một khu nhà cấp 4 với 5 nhân viên y tế, đến nay Trạm y tế xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) đã thực sự “thay da đổi thịt”, cơ sở vật chất khang trang, thiết bị máy móc hiện đại, các phòng chuyên môn đầy đủ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Phù Lỗ cho biết, với 9 nhân viên y tế, trạm có thể khám được tất cả bệnh của tuyến YTCS được phân công. Thậm chí, từ năm 2015 được sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật của BV Tim Hà Nội, trạm còn triển khai công tác khám sàng lọc, quản lý hồ sơ khoảng 150 bệnh nhân bị tăng huyết áp. Có nhiều người dân trên địa bàn xã đang điều trị tăng huyết áp tại các BV tuyến trên cũng đã xin chuyển bảo hiểm y tế (BHYT) về trạm để tiện điều trị. Trước đây, trạm chỉ quản lý khoảng 4.000 thẻ BHYT, thì nay đã lên tới hơn 7.000 thẻ.

Từ năm 2014, Trạm y tế xã Mai Đình (Sóc Sơn) đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Theo bác sĩ Trần Trọng Thắng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Mai Đình, để thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, trạm đã được Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, BV Tim Hà Nội, BV Lão khoa trung ương hỗ trợ khám sàng lọc, phát hiện và quản lý 500 hồ sơ của người có bệnh mạn tính: Đái tháo đường, tăng huyết áp… Trong quá trình khám, nếu phát hiện những biến chứng vượt khả năng, bệnh nhân sẽ được chuyển lên các BV chuyên khoa như: BV Đa khoa Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV Mắt Hà Nội. Nhờ được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, bảo đảm công tác cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu, trung bình mỗi ngày, tại Trạm y tế Mai Đình có khoảng 40 bệnh nhân đến khám và ngày cao điểm lên tới 100-150 bệnh nhân.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Hải chia sẻ, người dân luôn có suy nghĩ, đến trạm y tế chủ yếu để xin giấy chuyển viện hoặc xin vài viên thuốc về uống. Do vậy, để “hút” được người bệnh, khiến họ tin tưởng thì phải tạo bước đột phá cho YTCS. Trước khi triển khai mô hình bác sĩ gia đình, bệnh nhân ở huyện chuyển lên tuyến trên chiếm khoảng 60%. Thế nhưng, từ khi địa phương triển khai lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, nâng cấp hệ thống trạm y tế cùng nguồn nhân lực gồm 62 bác sĩ (trong đó có 1/2 trình độ sau đại học, 3 bác sĩ chuyên khoa, 32 bác sĩ có chứng chỉ bác sĩ gia đình), thì bệnh nhân chuyển lên tuyến trên rất ít.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, với việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến YTCS, giúp giảm quá tải BV, giảm áp lực đối với ngành Y tế. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.


Một đồng dự phòng, tiết kiệm được bốn đồng điều trị


PGS.TS Công Quyết Thắng, Chủ nhiệm Khoa Gây mê hồi sức (BV Hữu Nghị) cho rằng, bỏ 1 đồng dự phòng, chúng ta có thể tiết kiệm được 4 đồng điều trị. Y tế Thủ đô nói riêng và y tế cả nước nói chung đã có một hệ thống mạng lưới YTCS rộng khắp, thì cần phải thúc đẩy tuyến này phát triển mạnh mẽ hơn.

Từ mô hình thí điểm quản lý sức khỏe ban đầu hiệu quả ở Sóc Sơn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, thành phố đặt mục tiêu 100% dân số Thủ đô được quản lý, theo dõi sức khỏe ban đầu ngay từ tuyến YTCS. Để làm được điều này, thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống YTCS. Từ nay đến năm 2020, ngân sách thành phố, các quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn xuống cấp cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp. Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp các trạm y tế xã phải theo thiết kế, quy mô phù hợp với phân vùng và theo nhu cầu thực tế ở địa phương, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí. Mục tiêu đến ngày 31-12-2017, 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc đầu tư trạm y tế kiên cố.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, thành phố sẽ triển khai việc lập sổ khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở ngay tuyến y tế xã, phường và các BV tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Từ ngày 1-3, TP Hà Nội bắt đầu triển khai lập hồ sơ, khám ban đầu cho người dân tại 10 xã, phường và mở màn tại phường Phúc Đồng và Phúc Lợi (Long Biên). Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai tại các xã, phường còn lại từ ngày 10-3. Đến ngày 30-6, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế trên địa bàn. Dự kiến, Hà Nội sẽ hoàn thành lập sổ theo dõi sức khỏe toàn dân vào tháng 9-2017.

Lấy dự phòng là quan trọng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đi từ cơ sở là giải pháp lâu dài để giảm tải BV, giảm chi phí y tế.

Thu Trang