Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm: Việc làm cấp thiết
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:48, 28/02/2017
Mất khả năng tự làm sạch
Rộng 12ha, nằm ở trung tâm của Thủ đô, hồ Hoàn Kiếm là điểm đến hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước. Theo Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, mỗi năm, có 1,3 triệu lượt khách tới tham quan hồ Hoàn Kiếm. Hiện hồ có hệ thống tách nước thải, đã được kè bê tông và đá. Tuy nhiên, sau nhiều năm chưa được nạo vét, lớp đất sét, bùn lắng dưới đáy hồ ngày càng dày.
Khu vực thử nghiệm làm sạch môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức, chất hữu cơ vào lòng hồ biến thành chất gây ô nhiễm. Nhiều vị trí, nước trong hồ chuyển sang màu đỏ, mật độ tảo lớn, độ PH luôn ở mức cao, hàm lượng BOD (lượng chất thải hữu cơ trong nước có thể bị phân hủy bằng vi sinh vật), COD (lượng ô xy cần thiết để ô xy hóa chất hóa học trong nước) gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Lòng hồ bị bồi lắng lớp bùn dày từ 0,4m đến 1,06m chứa nhiều kim loại nặng và khí độc... ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật dưới hồ. Vì thế, cải tạo môi trường hồ là việc làm rất cần thiết, nhằm cải thiện chất lượng nước hồ, bảo tồn hệ thủy sinh trong hồ và bảo đảm cảnh quan hồ xanh, sạch, đẹp.
Theo kế hoạch đề xuất của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, tổng khối lượng cần nạo vét tại hồ Hoàn Kiếm là 57.400m3. Với năng suất thi công 832m3/ngày, tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày, kể từ ngày bàn giao mặt bằng. Phương án xử lý, duy trì chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm được thực hiện theo hai bước. Bước 1, sẽ quan trắc chất lượng môi trường nước nền của hồ; khảo sát hiện trạng hồ, đo vẽ chi tiết bản đồ nhằm xác định dung tích nước hồ; chia ô lưới trên mặt hồ và tập kết phương tiện, thiết bị; xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C và quan trắc chất lượng nước sau 20 ngày phun rải chế phẩm. Bước 2, duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý thông qua việc vớt rác trên mặt hồ hằng ngày và quan trắc chất lượng nước định kỳ hằng tháng. Việc thi công nạo vét sẽ tiến hành 8 giờ mỗi ngày, từ 21h30 hôm trước tới 5h30 sáng hôm sau, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới giao thông khu vực quanh hồ.
Cũng theo ông Hùng, chế phẩm Redoxy-3C đã được dùng để làm sạch hồ Tây, hồ Hoàng Cầu cùng nhiều hồ khác trong nội thành trong năm 2016 và đã chứng minh được hiệu quả. Sau xử lý, các hồ nước ô nhiễm đã xanh, sạch trở lại, hệ thủy sinh trong các hồ nước cũng phát triển tốt.
Sẽ thành đầm lầy nếu không được cải tạo!
Tại hội thảo bàn phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm diễn ra mới đây, TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với hồ Hoàn Kiếm cho rằng, nếu không thực hiện sớm, hồ sẽ là nơi tụ thủy, trở thành đầm lầy. Điều này đã từng thấy tại khu vực Khâm Thiên, Quốc Tử Giám có tới 50-60% là hồ ao vào năm 1956, nay đã dần biến thành đầm lầy hoặc biến mất trên bản đồ. Hồ Hoàn Kiếm những năm 1970 còn có độ sâu, nhưng giờ đã ngập bùn, do vậy phải có phương án cải tạo sớm.
Hồ Hoàn Kiếm sẽ sạch đẹp hơn sau khi môi trường nước được cải tạo. Ảnh: Xuân Đại |
TS Trần Đức Hạ (Khoa Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội) lại đề nghị, nên nghiên cứu kỹ trước khi nạo vét. Việc nạo vét hồ đã từng được thực hiện song hồ Hoàn Kiếm có vị trí quan trọng nên khi cải tạo phải giữ được đặc trưng thành phần thủy sinh, đặc biệt là màu xanh của nước. "Năm 1992, Hà Nội đã nạo vét hồ nhưng hiện tượng tảo nở hoa và các chỉ số thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi cho các loài thủy sinh phát triển..." - ông Hạ lưu ý.
Hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý đều nhất trí với chủ trương nạo vét, làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm, xử lý tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm cần phải được tiến hành thận trọng, bảo đảm khắc phục ô nhiễm, nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại hồ. Ý kiến của các nhà khoa học sẽ được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp thu nhằm hoàn thiện phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, trình UBND TP Hà Nội trong thời gian sớm nhất.