Tái xuất nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Bất động sản - Ngày đăng : 07:07, 28/02/2017

(HNM) - Những căn nhà hình thù xiêu vẹo, với diện tích chỉ vài mét vuông vẫn xuất hiện cùng những tuyến đường mới mở...


Sau khi dự án cải tạo, cống hóa mương thoát nước dài 1,5km, từ ngõ 10, phố Tôn Thất Tùng đến ngõ 139, phố Khương Thượng (quận Đống Đa) cơ bản hoàn thành, cũng là lúc nhiều ngôi nhà có hình dáng kỳ dị xuất hiện. Có căn hình tam giác rộng vài mét vuông, có căn mỏng dính hầu như không có chiều sâu vẫn được xây cao tầng, do giá trị kinh tế của nó thay đổi nhanh chóng khi thành nhà mặt đường.

Theo kết quả kiểm tra năm 2015 và tái kiểm tra năm 2016 tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, số lượng nhà SMSM tồn đọng là 214 công trình, chủ yếu tập trung tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân...

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, nên nhìn vào các tuyến đường mới để đánh giá năng lực của chính quyền cơ sở trong việc kiểm soát các công trình xây dựng theo quy hoạch. Chỗ nào còn nhà SMSM, chính quyền địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm. Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, việc chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc, người dân thì mạnh ai nấy làm là nguyên nhân chính xuất hiện nhà SMSM.

Tuy nhiên có một thực tế, với phần diện tích còn lại, dù nhỏ nhưng trên giấy tờ vẫn thuộc quyền sử dụng của hộ dân; đặc biệt, lại nằm ở mặt đường nên giá trị tăng lên nhanh chóng và các hộ dân tiếp tục sửa chữa, xây dựng để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Việc tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối sẽ rất khó nếu bên trong muốn mua rẻ, còn bên ngoài muốn bán đắt.

Liên quan đến việc nhà SMSM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, việc lập quy hoạch chi tiết các trục đường giao thông mới mở trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra tình trạng bị kéo dài. Việc thực thi theo đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường, nên vẫn phát sinh các trường hợp nhà SMSM, dẫn đến sự chắp vá, thiếu đồng bộ về cảnh quan khi mở đường.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng và xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Theo đánh giá của UBND thành phố, công tác thông tin tuyên truyền, vận động hợp thửa, hợp khối hoặc thu hồi diện tích đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện xây dựng còn hạn chế, sự chỉ đạo của quận, huyện, thị xã còn thiếu cương quyết đã khiến nhà SMSM phát sinh.

Để khắc phục, thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng rà soát các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng; quản lý chặt chẽ về đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, đồng thời cân đối bố trí kịp thời vốn ngân sách của địa phương để đền bù, thu hồi đất không đủ điều kiện xây dựng sử dụng vào mục đích công.

Cùng với đó, nên sớm nghiên cứu, áp dụng thu hồi đất hai bên tuyến đường cùng với thu hồi đất mở đường, để có điều kiện quy hoạch, xây dựng đồng bộ, vừa bảo đảm bộ mặt đô thị hiện đại, vừa có thể thu hồi giá trị sử dụng đất mặt đường để bù cho kinh phí xây dựng tuyến đường mới.

Hương Ly