Hồ sơ sức khỏe - Tránh có bệnh mới lo đi chữa

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:02, 01/03/2017

(HNMO) - Từ ngày 1-3-2017, Hà Nội sẽ chính thức lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) cho từng người dân sống trên địa bàn. Dự kiến hết năm 2017, sẽ có khoảng 50% người dân Hà Nội hoàn thành HSSK. Việc lập HSSK là nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu chứ không để người dân có bệnh mới lo đi khám.


Nhìn chung trên cả nước, trước đây, hệ thống trạm y tế xã, thôn, bản đã phát huy tác dụng tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khi chuyển sang cơ chế thị trường thì hoạt động của hệ thống đó gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính: Chi cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia BHYT.

Cùng với đó, nhân lực y tế tuyến cơ sở vừa thiếu vừa yếu, trang thiết bị chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ nhiều nơi còn thấp, y tế cơ sở chưa làm tốt việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Do đó, người dân thường bỏ qua tuyến y tế cơ sở dẫn đến tình trạng quá tải diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến trên...

Theo báo cáo của ngành Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 584 trạm y tế xã, phường. Trong đó, 560 trạm đã đạt chuẩn quốc gia. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thí điểm việc khám sàng lọc, theo dõi, quản lý sức khỏe một số bệnh mãn tính tại trạm y tế và sắp tới, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế…

Theo các chuyên gia y tế, để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân thì trước hết, mỗi người dân phải có một hồ sơ sức khỏe. Do vậy, trong năm 2017 này, hai ngành Y tế và BHXH sẽ phối hợp tổ chức triển khai việc lập hồ sơ sức khỏe cho từng người dân. Theo đó, mỗi người dân có một HSSK để ngành Y tế, BHXH theo dõi, quản lý sức khỏe họ trong suốt cuộc đời. Một bộ hồ sơ sẽ được xác lập đầy đủ thông tin về nhân thân của người dân, những tiêu chí căn bản về tình trạng sức khỏe gồm: cân nặng, chiều cao, giới tính, nhóm máu và một số thông tin khác đến bệnh sử…

Do vậy, từ ngày 1-3-2017, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện chủ trương này. Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Việc làm HSSK này sẽ mang đến lợi ích  cho cả người dân lẫn ngành Y tế, BHXH.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, với người dân, hồ sơ sức khỏe cá nhân rất tiện lợi khi cần khám-chữa bệnh vì có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, hiệu quả. Hồ sơ sức khỏe cá nhân còn tiện cho việc phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí về tiền bạc của người dân trong việc khám-chữa bệnh...

Còn đối với ngành Y tế, việc quản lý HSSK sẽ giúp các bác sỹ phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường để giải quyết ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành Y tế. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của bệnh nhân thông suốt các tuyến, sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất dễ dàng và hiệu quả điều trị cao hơn. Việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khỏe cũng giúp việc hoạch định chính sách đối với ngành Y tế tốt hơn vì có đầy đủ những bằng chứng về thực tiễn được lưu lại khách quan qua hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử...

Đối với ngành BHXH, việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm sẽ hạn chế bớt việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy, giảm bớt chi phí BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, việc quản lý chi phí bảo hiểm dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận...

Việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giảm chi phí xã hội cho việc khám-chữa bệnh và bảo đảm sức khỏe cho mỗi người dân trong học tập, lao động, nâng cao chất lượng đời sống và kéo dài tuổi thọ...

Minh Bắc