Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến

Văn hóa - Ngày đăng : 07:12, 01/03/2017

(HNM) - Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU, ngày 17-5-2006, của Thành ủy Hà Nội về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến đã mang lại những kết quả tích cực, sinh động và hết sức thiết thực.

Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền


Đa dạng hình thức bảo tồn

Theo Sở VH-TT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 300 di tích và địa điểm DTCMKC, gần 250 di tích và điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hệ thống di tích này chính là nguồn sử liệu trực quan, sinh động về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử, về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Nhằm bảo vệ, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TU, ngày 17-5-2006, định hướng cho các ngành, địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị DTCMKC trên địa bàn. Từ năm 2006 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở đã triển khai thực hiện Chỉ thị 03 song song với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng văn hóa của Thủ đô, đất nước; đầu tư hàng chục tỷ đồng để chỉnh trang, tu bổ, lập hồ sơ, gắn biển di tích, trưng bày hiện vật, tài liệu phục vụ khách tham quan.

Đến thăm căn nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946 ở Vạn Phúc (Hà Đông) lúc nào cũng sạch đẹp, trang nghiêm, ai cũng bồi hồi, xúc động. Tương tự, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất); Xuân Dương (Thanh Oai)… được tu bổ, tôn tạo khang trang, mở thêm phòng trưng bày, tạo thành không gian văn hóa hấp dẫn.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, DTCMKC Nhà tù Hỏa Lò, nhà 5D Hàm Long, nhà số 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm); pháo đài Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm); chùa Một Mái trong khuôn viên chùa Thầy (Quốc Oai)… trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan, tìm hiểu mỗi năm. Đáng ghi nhận hơn, quận Ba Đình đã biên soạn và phát hành 5.000 cuốn sách “Ba Đình - Di tích cách mạng kháng chiến”; quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ hội truyền thống Liên khu I bên bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” cạnh chợ Đồng Xuân; huyện Gia Lâm phát hành sách “Di tích lịch sử và cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm”… “Giáo dục truyền thống, phát huy giá trị DTCMKC được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước”, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định.

Đầu tư cho xứng tầm

Thực tế cho thấy, hệ thống DTCMKC tuy đã được quan tâm hơn trước, song việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị mới được thực hiện tốt ở một số di tích. Nhiều di tích có giá trị bị xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa được “cứu” kịp thời. Đơn cử như địa đạo Nam Hồng, xã Nam Hồng (Đông Anh) - nơi trú ẩn an toàn, đồng thời là địa điểm hoạt động bí mật của bộ đội và nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Hệ thống địa đạo Nam Hồng hiện chỉ còn vài trăm mét, đã xuống cấp nghiêm trọng nên hầu như không có khách tham quan. Huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng đã có kế hoạch đưa địa đạo Nam Hồng trở thành điểm du lịch cùng với tuyến du lịch Cổ Loa - Đền Sái - Rối nước Đào Thục - làng nghề Vân Hà - Ca trù Lỗ Khê… từ những năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa. Một số điểm DTCMKC không có khu vực bảo vệ nên thường bị “vây” do nhà dân hoặc các công trình khác.

Đáng nói hơn, tài liệu, hiện vật trưng bày tại đa số nhà lưu niệm, điểm DTCMKC còn đơn điệu; đội ngũ cán bộ thuyết minh vừa thiếu, vừa yếu khiến di tích thiếu sự hấp dẫn. Nguồn kinh phí dành cho việc tu bổ, tôn tạo DTCMKC còn hạn chế, thậm chí có địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách. Nguyên nhân là vì công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch đầu tư tu bổ, bảo vệ, phát huy giá trị DTCMKC còn chậm, phân loại, phân cấp quản lý chưa cụ thể. “Có di tích do Sở VH-TT Hà Nội trực tiếp quản lý, có di tích nằm trong các di tích lịch sử khác hoặc trong cơ quan, công sở, nhà dân, có di tích chỉ còn là địa điểm. Việc bảo tồn, phát huy giá trị DTCMKC liên quan đến nhiều ngành như Văn hóa, Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng, Du lịch…, nhưng giữa các ngành còn chưa có sự thống nhất ở nhiều khâu, nhiều việc”, ông Trương Minh Tiến cho hay.

Để khắc phục, UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục kiểm kê, phân loại các di tích; sưu tầm tài liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử; có cơ chế, hình thức ưu tiên đối với các hoạt động liên quan đến DTCMKC; nghiên cứu, đưa vào tuyến tham quan các điểm di tích tiêu biểu… Với sự quan tâm đồng bộ, chắc chắn hệ thống DTCMKC trên địa bàn Hà Nội ngày càng phát huy giá trị toàn diện, hiệu quả hơn nữa.

Hà Hiền