Di sản văn hóa phải gắn với chiến lược phát triển bền vững
Văn hóa - Ngày đăng : 17:38, 01/03/2017
Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững” ngày 1-3. |
Cuộc hội thảo nhằm định hướng kịp thời trong việc gắn kết các hoạt động của ngành di sản văn hóa với thực tiễn sinh động của quá trình phát triển bền vững đất nước. Nhiều chuyên gia đầu ngành về di sản như: GS.TSKH Vũ Minh Giang, PGS.TS Đặng Văn Bài, GS.TS Nguyễn Chí Bền, TS Lê Thị Minh Lý… đã tham gia đóng góp ý kiến. Đa số ý kiến đều công nhận, di sản văn hóa là một nguồn lực, văn hóa và di sản văn hóa đang trở thành một dạng tài nguyên vô giá và vô tận nếu biết gìn giữ và khai thác một cách khoa học.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, văn hóa luôn có sức hấp dẫn ở nhiều quốc gia và di sản không chỉ đem lại nguồn lợi không nhỏ trong tổng thu nhập mà còn có vai trò lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Có những nước, nguồn thu từ du lịch chủ yếu từ sức hút của di sản và đóng góp đến 10% GDP hàng năm, ví dụ như Italia.
“Nhận thức ở tầm vĩ mô về phát triển bền vững, Việt Nam không thua kém các nước có trình độ phát triển cao trên thế giới, nhưng trong thực tế triển khai, chúng ta gặp phải không ít khó khăn và tính bền vững trong phát triển đang gặp nhiều thử thách. Đó là việc xử lý mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn di sản và phát triển”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) cho rằng, gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước và hơn 59 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, hệ thống di sản văn hóa có giá trị là nguồn tài nguyên vô tận của đất nước.
Di sản văn hóa phố cổ Hội An. |
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, các loại hình Di sản Văn hóa thế giới của Huế đã được UNESCO công nhận là nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cụ thể, doanh thu từ nguồn bán vé tham quan di sản đạt hơn 262 tỷ đồng (năm 2016). Để đạt được kết quả này và cũng là giải bài toán bảo tồn, phát triển, theo ông Phan Thanh Hải, Huế đã phát huy tối đa nguồn lực xã hội.