Nhà sáng chế

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:24, 01/03/2017

(HNM) - Mang trong mình dòng máu đất nghề truyền thống ở xã Minh Khai (Hoài Đức), Nguyễn Chí Dương trở thành người thợ cơ khí đam mê sáng chế các loại máy chế biến nông sản.

Chàng trai ưa tìm tòi, sáng tạo

Tôi đến xưởng sản xuất Kỳ Dương của anh Nguyễn Chí Dương ở thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai (Hoài Đức) khi trời đã xế chiều. 17h, toàn bộ thợ trong xưởng đã ra về nhưng anh vẫn cặm cụi với chiếc máy làm bánh cu đơ. Đôi tay còn lấm lem dầu, mỡ, anh dẫn tôi đi thăm xưởng và chỉ dẫn công dụng từng loại máy một cách đầy mê say. Góc này là máy làm đậu phụ, góc kia xếp máy làm phở tươi; chiếc máy dài này là máy tráng bánh cuốn… 45 tuổi đời nhưng có đến hơn 20 năm trong nghề cơ khí đã cho anh nếm trải biết bao thử thách.

Anh Dương lắp đặt máy tráng bánh đa nem.


Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, Dương hào hứng kể: Học xong bậc THPT, anh cũng như bao thanh niên trong làng ở nhà làm nghề sản xuất miến, bún khô, phở khô… Mọi nhà đều làm thủ công, sức mất nhiều mà năng suất chẳng được bao nhiêu. “Nếu sản xuất thủ công, một gia đình với 6 lao động làm trong 12 giờ đồng hồ cũng chỉ thu được 150kg miến. Sự cực nhọc của bản thân tôi cũng như bao lao động khác đã thôi thúc tôi phải đưa máy móc vào sản xuất” - Anh Dương tâm sự. Thêm nữa, ngày ấy Đoàn Thanh niên của xã cũng vận động thanh niên tích cực sản xuất, khích lệ tuổi trẻ phải có hoài bão, sáng tạo… Tất cả đã cổ vũ dự định mới của chàng thanh niên trẻ. Dương vừa cặm cụi, hì hục làm, vừa nghĩ phải làm sao có máy móc để giảm tải sức cho người lao động. Chàng trai trẻ bắt tay vào tìm tòi. Không biết bao nhiêu ngày mày mò, càng khó anh càng quyết tâm phải làm cho bằng được. Thấy Dương cày cục nhiều tháng ngày mà vẫn chưa làm được chiếc máy nào ra hồn, bố mẹ, anh, chị đều gàn. Nhưng càng gàn, Dương lại càng say mê, nỗ lực nhiều hơn. Rồi cuối cùng, chiếc máy thái miến cũng “ra lò”. Ban đầu, chiếc máy cho ra nhiều sản phẩm lỗi bởi sợi miến không đều, độ dày, mỏng khác nhau. Nhưng không nản lòng, từ những sản phẩm lỗi ấy Dương cải tiến dần. Sau mỗi lần chế tạo máy mới, anh lại mang máy áp dụng vào công việc của chính gia đình mình và hiệu quả ngày một thấy rõ. Cứ thế từng bước một, chiếc máy thái miến của Dương đã dần hoàn thiện, giúp tăng năng suất gấp 10 lần so với máy thủ công. Không có ý định sản xuất máy để bán, nhưng “tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã đến đặt Dương làm máy thái miến khiến anh càng có thêm động lực. Quá trình chế tạo máy về sau, anh luôn có những cải tiến không ngừng để máy thế hệ sau luôn ưu việt hơn thế hệ trước.

Sau khi chế tạo được máy thái miến, Dương tiếp tục nghĩ việc phải cải tiến hàng loạt các máy nông sản khác phục vụ các làng nghề chế biến nông sản ở chính vùng quê Hoài Đức như: Máy làm bánh đa nem, máy tráng bánh phở, máy xay bột gạo, máy xay đậu tự vắt, máy tách vỏ đỗ xanh… Anh tâm sự: Những chiếc máy này không phải do tôi hoàn toàn nghĩ ra. Tôi chỉ là người cải tiến, sáng tạo trên cơ sở từ những cỗ máy thủ công. Ví dụ, những chiếc máy xay đậu trước kia chỉ xay được đậu, còn đến công đoạn vắt thì phải dùng sức người. Tôi đã cải tiến để máy vừa xay và vừa vắt, sau đó đổ vào khuôn nén thành phẩm; hay bằng cách chế tạo thêm một số bộ phận, công đoạn khiến máy có công suất lớn hơn hẳn các máy trước kia, giúp giảm giá thành sản phẩm… Là người trực tiếp làm nghề chế biến nông sản, nhận rõ những điểm hay, dở của những cỗ máy thủ công nên anh đã vừa làm vừa học để cải tiến, sao cho máy móc phải tối ưu hóa, hữu dụng nhất với người lao động.

Sức vươn của trí tuệ


Cơ sở chuyên sản xuất máy nông sản của anh mang tên Kỳ Dương với 16 người thợ lành nghề. Mặc dù không được học qua một lớp cơ khí bài bản nào, nhưng niềm đam mê, chịu khó học hỏi đã giúp anh cải tiến và chế tạo thành công nhiều loại máy nông sản mới. Anh ý thức rằng, phát triển sản xuất phải đi lên bằng sức mạnh của công nghệ, nếu không tự đổi mới, tự thay đổi thì mình sẽ trở nên lạc hậu, thụt lùi. Chính vì thế, anh luôn chuyên tâm tìm tòi và không tự bằng lòng với những sản phẩm mình đã có. Một trong những sản phẩm đắt hàng nhất của anh hiện là máy xay đậu tự vắt, nhưng sản phẩm độc đáo, “ngốn” nhiều chất xám của anh phải kể đến là máy tráng bánh cuốn tự động. Nhiều năm trước đây, những vùng sản xuất bánh cuốn nổi tiếng của cả nước như Thái Bình, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam)… đều sử dụng máy tráng bánh cuốn của anh. Trên cơ sở những chiếc máy này, gần đây anh đã cho ra đời một thế hệ máy hoàn toàn mới với độ tự động hóa cao như tự tráng bánh, tự rắc nhân, tự gấp và cắt bánh... Anh tự tin bởi chiếc máy này đã được thị trường trong nước chấp nhận, thậm chí đã có đơn hàng đi nước ngoài. Một số Việt kiều đã cất công về tận nhà anh, chọn mua máy mang sang Australia để làm bánh cuốn. Anh Dương cho hay: “Gia đình đã thử nghiệm máy và hiện đang cung cấp sản phẩm bánh cuốn cho một số siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là sản phẩm mang thế mạnh của cơ sở sản xuất của chúng tôi”. Ngoài máy tráng bánh cuốn đã được đi nước ngoài thì nhiều máy chế biến nông sản khác của anh cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia khác như: Lào, Mỹ, Angola, Brazil, Thái Lan...

Cơ giới hóa và tự động hóa sẽ là hướng đi tất yếu, do đó anh luôn ý thức để mỗi lần cải tiến, sản phẩm của mình phải cắt bớt công đoạn thừa, nâng cao giá trị sử dụng, tăng sức bền của máy. Cùng với đó, vấn đề an toàn thực phẩm trong các máy chế biến nông sản cũng là đòi hỏi khắt khe, buộc anh phải đầu tư trí tuệ để các máy tích hợp được nhiều ứng dụng. Nguyễn Chí Dương vẫn tâm niệm phải lấy chữ tín làm đầu bởi đó mới là sự phát triển bền vững. Bằng sức lao động bền bỉ, cần cù, những sáng kiến trong những máy chế biến nông sản của anh sẽ giúp những vùng nghề truyền thống có bước bứt phá và nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất cho người lao động.

Thiện Mỹ