Vàng không còn “lấp lánh” với nhà đầu tư?
Kinh tế - Ngày đăng : 15:29, 01/03/2017
Nhìn lại thị trường vàng chỉ riêng hai tháng đầu năm 2017 cho thấy, trừ ngày vía Thần tài - thời điểm mà nhiều người quan niệm mua vàng vào ngày này sẽ gặp may mắn, sung túc cả năm, thị trường giao dịch rất sôi động, nhân viên các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải làm việc vất vả gấp nhiều lần so với bình thường, thậm chí đến tận gần nửa đêm vẫn có khách đến giao dịch, còn lại thị trường nhìn chung giao dịch trầm lắng. Giao dịch chủ yếu xuất phát từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì thế, có phiên doanh nghiệp phải thu hẹp biên độ mua-bán về mức dưới 100.000 đồng/lượng như thường lệ nhằm kích thích giao dịch. Giá cũng không biến động nhiều, chủ yếu xoay quanh mốc 37 triệu đồng/lượng, trừ thời điểm đầu tháng 2 có phiên giá tăng mạnh lên 37,90 triệu đồng/lượng để đón đầu ngày vía Thần Tài.
Thị trường vàng sôi động trong ngày vía Thần tài. Tuy nhiên, sau ngày trên, giao dịch trầm lắng |
Hình ảnh này khác hẳn với trước đây, khi mà thị trường vàng diễn biến phức tạp, người dân đổ xô đi mua vàng, thị trường thường có những cơn "sốt vàng" gây bất ổn trong xã hội. Đó là chưa kể, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Toàn bộ lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng được lấy từ nền kinh tế. Nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng đến tỷ giá, chỉ số giá tiêu dùng, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trước tình hình đó, để ổn định thị trường vàng và thực hiện chủ trương chống “vàng hóa”, năm 2012 Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được ra đời, nhiều biện pháp được cơ quan quản lý thực hiện như: Thực hiện chính sách Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng đã được thiết lập, có quản lý; chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán...
Sau một thời gian triển khai, những năm gần đây, thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách trật tự, kỷ cương. Cung-cầu vàng miếng tương đối cân bằng, thị trường vàng tự điều tiết, không còn tình trạng "làm giá", góp phần quan trọng duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh nhưng giá trong nước vẫn ổn định. Bên cạnh đó, quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua bán vàng, là bước tiến quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế đã giảm mạnh.
Có thể thấy, nhu cầu đầu tư vàng đã giảm sau khi thị trường này đi vào nền nếp bởi nhà đầu tư không còn “lướt sóng” được như trước, nhưng không thể phủ nhận, vàng vẫn là một trong những kênh mà nhà đầu tư lựa chọn, chỉ có điều họ thận trọng hơn mà thôi. Điều này cũng là dễ hiểu bởi đầu tư vàng rất rủi ro, giá vàng tăng nhanh nhưng nhiều khi giảm cũng rất nhanh. Đặc biệt, bài học gần đây nhất là thời điểm tháng 7-2016 giá vàng thế giới tăng mạnh do tâm lý bất ổn sau sự kiện Brexit, giá kim loại quý trong nước tăng theo, nhà đầu tư đổ xô đi mua khiến giá càng tăng mạnh hơn, leo lên gần 40 triệu đồng/lượng. Nhưng không may, chỉ sau một đêm giá sụt giảm mạnh tới hơn 1 triệu đồng/lượng rồi cho đến nay mốc giá trên không thể trở lại, khiến nhiều nhà đầu tư lỗ đậm.
Lý giải cho việc giao dịch trên thị trường trầm lắng thời gian qua, đại diện của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, đó là bởi vào đầu năm thay vì tham gia thị trường các nhà đầu tư thường dành thời gian đi du xuân, đi lễ. Bên cạnh đó, giá vàng đã nỗ lực tìm kiếm xu hướng tăng, nhưng cứ mỗi một nhịp tăng xuất hiện thì tiếp theo đó lại đan xen một nhịp giảm nên giá chưa thể hiện rõ xu hướng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư còn đứng ngoài thị trường để chờ đợi xem Cục Dự trữ liên bang Mỹ có đưa ra quyết định tăng lãi suất vào tháng 3 này hay không.
Dù giao dịch trên thị trường trầm lắng nhưng điều tích cực được ghi nhận là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới giảm mạnh từ mức khoảng 4,5 triệu đồng/lượng thời điểm cuối năm 2016 xuống 2,6 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân do nhiều phiên giá vàng quốc tế đi lên nhưng giá vàng trong nước chững lại và có chiều hướng đi xuống bởi lực cầu trong nước yếu. Với việc chênh lệch giá giữa hai thị trường được co lại, người mua vàng sẽ đỡ bị rủi ro hơn.