Thu hồi sim kích hoạt sẵn: Vì mục tiêu dài hạn
Công nghệ - Ngày đăng : 06:54, 03/03/2017
Hiện nay, sim rác vẫn là vấn đề cần được giải quyết triệt để. Ảnh: Khánh Huy |
Gần 19 triệu sim kích hoạt sẵn bị thu hồi
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT-TT), việc thu hồi sim di động đã kích hoạt sẵn của các nhà mạng còn có sự giám sát giữa các doanh nghiệp và của cơ quan quản lý nhà nước. Tính từ 1-11-2016 đến 15-1-2017, trong số hơn 17 triệu sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn, chỉ có gần 1 triệu sim được đăng ký lại, còn 16 triệu sim đã bị khóa.
Ngày 23-1, Bộ TT-TT tiếp tục kiểm tra 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone, MobiFone (đối với các sim trả trước kích hoạt từ tháng 1 đến tháng 3-2016 và tháng 11-2016), thu hồi 2 triệu sim trong số hơn 2,1 triệu sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn; nâng tổng số sim bị thu hồi lên 18 triệu. Và trong lần kiểm tra gần nhất, có thêm 789.000 sim kích hoạt sẵn bị thu hồi, nâng tổng số sim bị thu hồi lên gần 19 triệu.
Đánh giá kết quả kiểm tra và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn, Bộ TT-TT cho rằng, việc bày bán sim kích hoạt sẵn không còn tràn lan như trước và người dân cũng đã quen với việc đăng ký thông tin thuê bao. Kết quả tích cực này có sự vào cuộc của chính các nhà mạng, nhằm đẩy lùi nạn tin nhắn "rác", giữ sự lành mạnh trong kinh doanh. Tại hội nghị sơ kết việc thu hồi sim kích hoạt sẵn diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, hiện tổng số thuê bao di động cả nước đã đạt trên 130 triệu, vượt xa số dân.
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý để thị trường phát triển lành mạnh; trong đó Bộ sẽ có những ưu tiên cho các doanh nghiệp làm tốt nhiệm vụ này. Ngành TT-TT và các nhà mạng không lấy chỉ tiêu tăng trưởng thuê bao để báo cáo thành tích mà cần đi vào phát triển thực chất.
Nhà mạng có thất thu?
Sim đã kích hoạt được rao bán ở nhiều nơi.Ảnh: Đức Minh |
Trở lại với hoạt động kinh doanh của các nhà mạng sau khi thu hồi sim kích hoạt sẵn, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, do quá trình xử lý sim “rác”, việc phát triển thuê bao mới VinaPhone ước tính chỉ đạt 400.000 - 600.000 thuê bao/tháng, thấp hơn so với trung bình 1 triệu thuê bao/tháng trước khi thu hồi. Lãnh đạo MobiFone cũng cung cấp thông tin, trong tháng 1-2017, hơn 800.000 thuê bao “rác” bị cắt và lượng phát triển mới chỉ đạt 220.000. Còn Tập đoàn Viettel cho biết, thuê bao và doanh thu tháng 1 đều đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra… Tuy sụt giảm thuê bao song các nhà mạng đều khẳng định, việc phát triển thuê bao thực chất hơn, người sử dụng đăng ký thông tin và gắn bó lâu dài với nhà mạng chứ không phải thuê bao “ảo” dùng hết tài khoản khuyến mãi là ngừng hoạt động.
Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới việc siết chặt quản lý tác động đến các kênh phân phối của nhà mạng như thế nào? Tổng công ty MobiFone cho biết, việc siết chặt quản lý trong phát triển thuê bao trả trước làm suy giảm kết quả kinh doanh của kênh phân phối, tất yếu ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng. Song, MobiFone chấp nhận sự suy giảm tạm thời này để đạt mục tiêu to lớn và dài hạn, vì một thị trường viễn thông phát triển bền vững và lành mạnh. Đồng thời, MobiFone cũng phải thay đổi phương thức cung ứng sản phẩm ra kênh bán hàng để vừa đạt hiệu quả mà vẫn tuân thủ quy định. Nhà mạng này cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý phải quyết liệt trong thực hiện, giám sát để bảo đảm tất cả các nhà mạng cùng phải thực hiện.
Dưới góc độ xã hội, việc siết chặt quản lý sim di động, chủ yếu là sim trả trước và việc đăng ký thông tin thuê bao là việc làm cần thiết, góp phần hạn chế tin nhắn "rác" và các hệ lụy, nguy cơ gây ra bất ổn liên quan đến an ninh, trật tự, như đối tượng xấu lợi dụng sim “ảo” để khủng bố, lừa đảo, tống tiền… Do vậy, các nước trên thế giới đều có chính sách quản lý chặt chẽ với sim di động, đặc biệt sim trả trước; du khách muốn mua sim di động phải xuất trình hộ chiếu đăng ký thông tin… Còn tại nước ta, sau một thời gian phát triển, việc đăng ký thông tin thuê bao gần như không có sự giám sát chặt chẽ, “bỏ mặc” cho các nhà mạng. Kết quả, sim “rác”, tin nhắn “rác” trở thành hiện tượng nhức nhối. Như vậy, để thấy việc thu hồi sim đã kích hoạt là giải pháp thiết thực, quan trọng để thị trường viễn thông phát triển bền vững và bảo đảm an toàn, an ninh chung cho xã hội.