Đảm bảo chính sách bình đẳng giới cho phụ nữ

Xã hội - Ngày đăng : 15:51, 03/03/2017

(HNMO) - Ngày 3-3, cơ quan thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức tọa đàm chính sách về bình đẳng giới nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

Với chủ đề "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm", tọa đàm thảo luận về những xu thế, thách thức và khuyến nghị cho việc thực hiện bền vững các mục tiêu bình đẳng giới tại Việt Nam.


Các đại biểu dự tọa đàm.


Phát biểu trong Lễ khai mạc, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế trong những năm qua ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động nữ trong khu công nghiệp, lao động có lương và tham gia bảo hiểm xã hội tăng hơn nhiều so với nam giới. Đây là nền tảng để Việt Nam phát triển một nền kinh tế năng động và toàn diện trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam,ông Kamal Malhotra khẳng định, ngoài những công việc chăm sóc gia đình, nội trợ không lương, người phụ nữ có quyền tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ mọi công việc khác như nam giới. Tham gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong buổi tọa đàm, các đại biểu đề xuất những giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và trao thêm nhiều quyền cho phụ nữ tại Việt Nam. Năm 2017 là năm thứ 10 Việt Nam thi hành luật về bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong thị trường lao động vẫn còn là vấn đề cần quan tâm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền con người mà còn tác động tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Để xây dựng một tương lai phụ nữ không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần tiếp tục xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc và kiên quyết loại trừ tình trạng phân biệt đối xử trong thực tiễn nhằm đảm bảo các cơ hội bình đẳng giới và bảo đảm việc làm cho phụ nữ.

Đại diện Liên hợp quốc và đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cam kết tiếp tục cộng tác để hướng tới các mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 về trao quyền kinh tế, tạo việc làm bền vững và bình đẳng giới cho phụ nữ.

Thanh Nga