Phát triển mô hình mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 03/03/2017
Hiện cả nước có hơn 56.000 doanh nghiệp, 797 HTX, 119 tổ hợp tác và gần 330.000 hộ gia đình tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu năm 2015 từ các hoạt động ngành nghề nông thôn của các tỉnh, thành phố đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Về làng nghề, đến nay, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm ở một số địa phương mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”.
Theo đó, đối với những làng đã có nghề, có sản phẩm được tạo ra thì ưu tiên hỗ trợ cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường tiêu thụ. Đối với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm thì lựa chọn ít nhất một nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để hỗ trợ. Những làng chưa có nghề, chưa có sản phẩm đặc trưng nổi bật thì khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân. Kết quả triển khai thí điểm cho thấy, các sản phẩm được hỗ trợ đã khẳng định triển vọng phát triển của ngành nghề nông thôn Việt Nam.
Tiếp nối kết quả thí điểm của Bộ NN&PTNT, một số địa phương đã chủ động áp dụng để phát triển ngành nghề tại địa phương. Trong đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Kết quả bước đầu đạt được sau 3 năm triển khai đề án đã khẳng định, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là hướng đi đúng trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh của địa phương.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, các làng nghề, nghệ nhân, các doanh nghiệp cùng nhau tìm ra những giải pháp để tiếp tục mở rộng, triển khai có hiệu quả hơn nữa mô hình, coi đây là một trong những hướng quan trọng để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.