Quân đội Syria tái chiếm Palmyra: Bước đột phá nhiều hy vọng

Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 04/03/2017

(HNM) - Lần thứ hai trong vòng một năm, quân đội Syria tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trước đó, Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của máy bay chiến đấu Nga đã hoàn tất việc giải phóng thành cổ này.

Một binh sĩ Syria hạ lá cờ IS tại thành phố cổ Palmyra.


Đây được xem là bước tiến lớn của quân đội Syria nhằm đẩy lui IS khỏi lãnh thổ, đồng thời góp phần cổ vũ cuộc đàm phán hòa bình tại Syria sớm đạt kết quả, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Palmyra là thành phố cổ có ý nghĩa biểu tượng tại tỉnh Homs, miền Đông Syria. IS đã chiếm thành phố lần đầu vào năm 2015, phá hủy các đền đài nổi tiếng và hàng nghìn di tích lịch sử tại khu vực được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đến tháng 3-2016, các lực lượng Chính phủ Syria và dân quân, với sự hậu thuẫn của không quân Nga, đã giành lại thành phố này từ tay nhóm thánh chiến "khát máu". Tuy nhiên, do phải dồn sức vào việc giải phóng TP Aleppo, quân đội Syria đã để mất Palmyra vào tay IS hồi tháng 12 năm ngoái.

Với vị trí chiến lược quan trọng, Palmyra kết nối các khu vực miền Đông và miền Trung của Syria. Những tuyến đường chính tới Raqqa, Damascus và Idlib đều đi qua thành phố này. Thế nên, theo đánh giá của giới phân tích, việc chiếm lại thành cổ Palmyra được ví như chiếc chìa khóa nhằm mở đường cho quân đội Syria có thể tiến đánh TP Raqqa, khu vực được coi là thủ phủ của IS tự xưng ở miền Đông Syria. Quan trọng hơn, thông tin về việc giải phóng Palmyra khỏi IS được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện tia hy vọng phá vỡ thế bế tắc tại cuộc hòa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).

Cuộc hòa đàm trên giữa các bên tham chiến tại Syria được nối lại từ ngày 23-2 vừa qua. Đây là vòng hòa đàm thứ tư dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ). Dù đại diện đoàn đàm phán của Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đã chấp nhận ngồi đối diện nhau trong phiên khai mạc - một bước tiến lớn so với tất cả các vòng đàm phán do LHQ bảo trợ trước đó - song họ vẫn mang tới cuộc đối thoại những quan điểm quá khác biệt, trong đó quan trọng nhất là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Nếu phe đối lập khăng khăng bảo vệ điều kiện tiên quyết cho một quá trình “chuyển tiếp chính trị” tại Syria là Tổng thống B.Al-Assad phải ra đi thì ngược lại, phe Chính phủ vẫn bảo lưu quan điểm tương lai của nhà lãnh đạo này phải do người dân nước này quyết định. Bên cạnh đó, đại diện Chính phủ Syria và lực lượng đối lập vẫn còn hàng loạt khúc mắc để chấp nhận đàm phán trực tiếp. Trong khi phe đối lập yêu cầu các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không được gây sức ép lên các cuộc đàm phán thì Chính phủ Syria cũng yêu cầu điều tương tự từ phía Mỹ và các nước phương Tây. Đây được cho là một yếu tố khó đạt được bởi từ lâu, cuộc chiến tại Syria đã được xem là một “cuộc chiến ủy nhiệm” của các thế lực bên ngoài.

Trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình Syria vẫn còn gặp nhiều trắc trở thì chiến thắng trên thực địa ở Palmyra làm dấy lên hy vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc tại bàn đối thoại, qua đó đẩy nhanh tiến trình hòa bình cho đất nước này. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ ở Châu Âu. Khi cuộc xung đột tại Syria vẫn chưa có hồi kết, người dân Syria, những người mong muốn hòa bình nhiều nhất sẽ lại phải tiếp tục chờ đợi và giấc mơ về một cuộc sống bình yên vẫn còn xa để trở thành hiện thực.

Thùy Dương