Bài cuối: Tiếp tục có cơ chế đặc thù

Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 04/03/2017

(HNM) - Chính sách thu hút nhân tài của TP Hà Nội đã khuyến khích các tài năng trẻ tìm đến với mong mỏi được cống hiến cho Thủ đô. Tuy nhiên, mới thu hút được 10% thủ khoa vào làm việc ở các cơ quan của thành phố chưa phải là con số ấn tượng, còn khiêm tốn so với tổng số hơn 100 thủ khoa ra trường mỗi năm. Thực tế đó đòi hỏi có cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn, phù hợp và thỏa đáng hơn nữa...


Khoảng cách “thảm đỏ” - nhân tài

Chia sẻ về lựa chọn của mình, Đinh Nho Minh, thủ khoa “kép” Học viện Chính sách phát triển cho biết, em rất cảm động khi thành phố đã dành nhiều ưu đãi để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, để hướng tới một tương lai như mong muốn, Minh đã lựa chọn đi du học để có điều kiện bổ sung kiến thức.

Ở một góc độ khác, có những ý kiến cho rằng, chính sách đãi ngộ của thành phố vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Một thủ khoa đang làm việc tại một ngân hàng của nước ngoài cho biết, bản thân em cũng muốn vào làm việc tại một cơ quan của thành phố, song mức lương còn chênh khá nhiều so với những cơ quan nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước. Đó cũng là băn khoăn chung mà nhiều thủ khoa phải đặt lên “bàn cân”. Bạn nào có điều kiện tốt thì chính sách tuyển dụng và mức lương đãi ngộ như vậy là hợp lý. Bạn nào xuất phát điểm còn khó khăn thường cân nhắc, lựa chọn nơi có mức thu nhập cao hơn để đáp ứng nhu cầu trước mắt của cuộc sống.

Từ thực tế trên có thể thấy, các chính sách đãi ngộ của thành phố chưa thật sự thu hút được nhiều thủ khoa. Điển hình như năm 2016, thành phố đã công khai chỉ tiêu tuyển dụng vào công chức đối với thủ khoa xuất sắc được UBND thành phố tặng Bằng khen từ năm 2011-2016 là 143 chỉ tiêu, nhưng số lượng thủ khoa xuất sắc đăng ký nguyện vọng về làm việc cho thành phố chỉ có 25 em. Theo phân tích của Sở Nội vụ Hà Nội, nguyên nhân một phần do chính sách tiền lương của Nhà nước còn thấp (hiện công chức, viên chức mới tuyển dụng được hưởng 85% lương bậc 1 hệ số 2,34). Trong khi đó, thị trường lao động Thủ đô dồi dào, nhiều công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ hàng đầu có sức hút lớn với mức lương cao và nhiều chế độ đãi ngộ.

Ngoài những trường hợp không mặn mà với “thảm đỏ”, cũng có những bạn rất mong muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước nhưng chưa “gặp” được công việc phù hợp. Điển hình như trường hợp của Trần Khánh Trinh, thủ khoa Đại học Hà Nội năm 2006 (hiện đang tự mở cửa hàng kinh doanh hoa tươi tại phố Nguyễn Chí Thanh). Tốt nghiệp Khoa tiếng Nga, Trinh nộp hồ sơ xin ở lại trường làm giảng viên thì đúng lúc Khoa tiếng Nga giảm biên chế. Hiện Trinh vẫn mong muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước và phát huy sở trường tiếng Nga của mình song chưa có cơ quan nào tuyển dụng.

Đãi ngộ tương xứng năng lực

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho rằng, ngoài chế độ như Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, ngày 17-7-2013, của HĐND thành phố về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô thì Hà Nội cũng chưa có cơ chế đặc thù nào đối với việc thu hút nhân tài, cũng như tăng mức thu nhập. Cơ quan tham mưu là Sở Nội vụ rất muốn các em có thành tích xuất sắc trong học tập về phục vụ cho thành phố, nhưng còn bó buộc bởi cơ chế, chính sách tiền lương…

Nhiều thủ khoa bày tỏ mong muốn cùng với tuyển dụng thì có cơ chế đãi ngộ về tiền lương. Ngoài việc trả lương theo ngạch bậc cơ bản thì nên có thêm phụ cấp (khoảng 0,5% đến 1% hệ số lương cơ bản) trong 5 năm đầu để các thủ khoa trang trải cuộc sống khó khăn lúc mới ra trường. Cùng với đó, trong cơ quan nhà nước cũng cần đổi mới với tinh thần đánh giá đúng năng lực lao động, tạo môi trường làm việc tốt và tạo cơ hội cho cán bộ trẻ thăng tiến.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng trăn trở: “10% thủ khoa Hà Nội làm việc ở các cơ quan của thành phố chưa phải là con số ấn tượng. Chúng ta phải thu hút nhiều hơn, sử dụng nguồn tài nguyên chất xám "nguyên khí quốc gia" một cách mạnh mẽ hơn để tạo sinh khí mới cho Thủ đô phát triển”.

Hiện TP Hà Nội đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 giảm tối thiểu 10% số biên chế được giao, hoàn thành trước một năm so với yêu cầu của Trung ương. Để thực hiện điều đó, thành phố đề ra những giải pháp đồng bộ, trong đó sẽ kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định...

Mục tiêu của việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nên đã nhấn mạnh "thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế". Vì vậy, trước mắt, trong “Năm kỷ cương hành chính 2017”, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét nhằm xây dựng hình ảnh đẹp về cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần rà soát việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua, nghiên cứu, tận dụng những lợi thế đặc thù của Thủ đô, đưa ra những quyết sách phù hợp hơn trong giai đoạn tới để “thảm đỏ” đủ sức hút người tài.

Hiền Chi - Kiều Oanh