Luôn đổi mới để phục vụ dân tốt hơn

Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 04/03/2017

(HNM) - Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, vấn đề cấp thiết đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND) là phải xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh. Cụ thể hóa yêu cầu này, bước vào năm 2017, Bộ Công an đã triển khai cuộc vận động

Một buổi ra quân của lực lượng 113 - Công an TP Hà Nội. Ảnh: Thái hiền


Dù tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) vi phạm kỷ luật, pháp luật trong lực lượng CAND không lớn, nhưng theo Thượng tướng Tô Lâm thì đây vẫn là điều đáng phải trăn trở. Chỉ một vài CBCS tha hóa, có hành vi sai trái, uy tín của lực lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đáng tiếc, những hành vi này lại có dấu hiệu gia tăng như, năm 2016, qua kiểm tra, tại một số đơn vị, số sai phạm bị phát hiện tăng, có nơi tăng đột biến, nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Công an quyết tâm đi đầu trong việc lập lại kỷ cương, kỷ luật, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua cuộc vận động (CVĐ) "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ". Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND cho biết: CVĐ được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, thủ trưởng công an các cấp và toàn thể CBCS đối với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị tư tưởng, tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hóa, văn minh...

Để thực hiện CVĐ, Bộ Công an đề ra 7 nhóm nội dung, biện pháp; kết hợp việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương với thực hiện chỉ thị của Bộ Công an. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng là xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; tác phong chính quy trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt; đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỷ luật kỷ cương, tinh thần trách nhiệm cho CBCS. Ngay trong năm nay, Bộ sẽ tổ chức để các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến về phong cách, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, tư thế tác phong, tinh thần trách nhiệm của CBCS. Cùng với đó là chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, gương điển hình, người tốt, việc tốt, cá nhân tiêu biểu.

Công an Hà Nội là một trong những đơn vị sớm triển khai CVĐ. Tiêu biểu như, CBCS Đội CSGT số 5 đã giúp đưa anh Phạm Văn Vụ (quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương), bị kẻ gian lấy hết tiền, về quê đón Giao thừa Tết Đinh Dậu. Thượng úy Hoàng Minh Trường (Đội CSGT số 14) dùng xe cá nhân đưa chị Nguyễn Thị Kim Anh (quê ở Bình Lục, Hà Nam) về quê đón Tết khi không còn xe khách hoạt động…

Từ thực tiễn, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, trong thực hiện nhiệm vụ, nhân tố mang tính quyết định là con người. Quán triệt Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công an tại hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72 và thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, Công an thành phố xác định, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh; tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân.

Ở bất cứ cương vị nào, từ công an cơ sở đến lực lượng trực tiếp tiếp xúc với nhân dân như CBCS quản lý xuất nhập cảnh, cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát khu vực, cơ động, trật tự… đều phải đổi mới tác phong làm việc để luôn gần gũi, thân thiện, vì nhân dân phục vụ.

Những tín hiệu tích cực cho thấy, CVĐ đang từng bước được triển khai vào cuộc sống. Tuy vậy, đây mới là kết quả ban đầu.

Tư Đô