Đài Loan - Điểm đến thú vị!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:46, 05/03/2017

(HNM) - Cuối thế kỷ XVI, Đài Loan (Trung Quốc) đã được các thương nhân Bồ Đào Nha phát hiện và đặt tên là Ilha Formosa, có nghĩa là

“Đặc sản chợ đêm”

Sau chừng 2 giờ 40 phút trên chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet cất cánh từ Hà Nội, chúng tôi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Bắc). Khi còn trên không trung, tôi đoán sân bay chắc cũng nhỏ, cỡ như Sân bay Phú Quốc của Kiên Giang xứ mình, bởi dù gì cũng chỉ là điểm cất, hạ cánh bay của một hòn đảo. Để rồi ngạc nhiên khi thấy sân bay ở đây khá lớn, hiện đại và văn minh, máy bay lên xuống tấp nập. Từ sân bay về trung tâm TP Đài Bắc, xe chạy trên cao tốc êm ru, chốc chốc lại lướt qua những điểm giao cắt để chuyển làn lên xuống 3-4 tầng đường. Ấn tượng về "hiện đại và văn minh " càng bổ sung thêm khi những ngày sau đó, chúng tôi có dịp di chuyển bằng tàu hỏa cao tốc dọc từ Cao Hùng về Đài Bắc, đi tàu điện ngầm.


Nghệ sĩ đường phố biểu diễn ở chợ đêm Sĩ Lâm.


Cho đến giờ, Đài Loan vẫn giữ trong mình hình ảnh xinh đẹp như cái tên nó từng mang. Các danh lam thắng cảnh tự nhiên hòa quyện cùng những công trình nhân tạo được thực hiện trong thời hiện đại một cách hài hòa, dễ cảm. Có thể kể đến quần thể hồ Nhật Nguyệt rộng hơn 4ha, là hồ nước ngọt lớn nhất và cũng là thắng cảnh hồ nổi tiếng nhất Đài Loan. Ngồi trên du thuyền chạy suốt một vòng hay thuê xe đạp chạy vòng quanh để khám phá vẻ đẹp mỹ miều của hồ thực sự thoải mái. Chị Vân, hướng dẫn viên du lịch người Đài gốc Việt cho biết, con đường đạp xe ở hồ Nhật Nguyệt từng được kênh truyền hình du lịch nổi tiếng thế giới CNN Travel đánh giá là một trong 10 đường đạp xe đẹp nhất thế giới.

Đi bộ mỏi chân trong Bảo tàng Cố cung, nơi cất giữ hơn 690.000 tác phẩm nghệ thuật quý giá, là bảo vật của bốn vương triều Tống - Nguyên - Minh - Thanh, hay đứng trong thang máy để lên gần đến đỉnh của Tòa nhà Taipei 101 cao 101 tầng, đã từng chiếm giữ vị trí chiều cao số 1 thế giới với tốc độ siêu nhanh trong 37 giây, áp suất thay đổi đến ù tai cũng là một cảm giác choáng ngợp.

Trong những ngày ở đây, lang thang nhiều nơi, tôi có cảm giác, “đặc sản” vùng đất này chính là các khu chợ đêm. Chợ đêm có ở khắp nơi, từ Đài Bắc, Đài Trung đến Cao Hùng, chỗ nào cũng rộng lớn, ngập tràn hàng hóa đủ loại, chất lượng và giá cả khá ổn. Chị Vân cho biết, cả đảo Đài Loan có hơn 300 khu chợ đêm, nhưng nổi tiếng hơn cả là chợ đêm Sĩ Lâm ở Đài Bắc, chợ đêm Lục Hợp ở Cao Hùng. Ban ngày đi chùa vãng cảnh, tối về dạo bộ và thưởng thức ẩm thực địa phương trong chợ thật tuyệt. Chợ mở cửa đến 2-3h sáng. Mọi người mua sắm tay xách nách mang; có người sà vào thưởng thức đậu phụ thối Tây Thi, bánh trứng tráng sò, nước Khổ qua trắng... Đám mày râu thì khoái khẩu với mực một nắng, tôm hùm, cua, ghẹ nướng, hấp, nhâm nhi cùng rượu Cao Lương. Hải sản ở các chợ này tươi mà rẻ đến không tưởng. Một con tôm hùm nặng chừng nửa kilôgam tính ra tiền Việt chỉ 300.000 đồng, cua biển cũng chỉ 150.000-200.000 đồng/kg...

Lúc vẫn còn ở Đài Loan và cả khi về đến nhà cả tuần, tôi vẫn luôn thắc mắc sao người xứ Đài làm du lịch giỏi thế. Chỉ một đoạn tàu hỏa dài vài trăm mét ở khu phố cổ Thập Phần tồn tại nghe đâu khoảng hơn một thế kỷ mà họ biến nó trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng trăm ô tô cỡ lớn chở khách đến tham quan mỗi ngày.

Đó là một khu phố cổ nằm dọc theo đường ray xe lửa được xây dựng từ hàng thế kỷ trước, nhằm vận chuyển than với hai bên là những ngôi nhà, cửa hàng nho nhỏ, thậm chí lụp xụp, chủ yếu bán các loại ẩm thực địa phương và đồ lưu niệm. Cứ khoảng chục phút lại có những đoàn tàu hỏa phụt khói chạy qua làm tăng sức hấp dẫn cho khu phố cổ. Mỗi khi có tàu qua thì đường ray trở về đúng chức năng của nó. Đoạn đường ray cổ chỉ là thứ để tăng sức hấp dẫn, còn nét đặc sắc nhất ở đây là những chiếc lồng đèn thả lên trời (còn gọi là đèn giời). Có tới 30-40 gia đình bán đèn giời trên một đoạn phố ngắn. Những năm gần đây, du khách Việt Nam đến khá đông nên khu phố cổ này có cả một quầy chuyên bán đèn giời mà người bán hàng là một phụ nữ gốc Việt tên Hương. Cứ 200 Đài tệ (khoảng 140.000 đồng) một chiếc đèn giời, dĩ nhiên đã được trang bị cả bút, mực tàu để viết lời ước nguyện và dầu đốt để đẩy nó bay lên.

Sự tồn tại giao thoa giữa nét văn minh, hiện đại với những dấu tích, phong tục văn hóa truyền thống - vừa là nét thú vị của Đài Laon, nhưng dường như cũng chính là sức hút du khách đến với vùng đất xinh đẹp này.

Và những kỷ niệm đẹp...

Người Việt mình vốn hằng ngày thân quen với nước mắm, chỉ sau ngày đầu ở Đài Loan, tôi cứ bứt rứt vì không mang theo một chai, nước tương ngọt của Đài không ăn được nên bữa ăn nào cũng thấy cứ nhàn nhạt. Lục tung những siêu thị tiện ích và 3-4 chợ đêm vẫn không thấy. Đang loay hoay thì một nhóm ba người ra nhận đồng hương hỏi chúng tôi cần gì. Thấy tôi nói thèm nước mắm, một cô nhảy xe buýt về nhà cách đó chừng 4-5km lấy nguyên chai to kỷ niệm cho cả đoàn đủ ăn trong mấy ngày du lịch. Hai người còn lại kể đã sang làm ăn ở Đài Loan gần chục năm nay. Họ hỏi thăm quê quán, rồi kể bây giờ các hãng máy bay của Việt Nam mở thêm nhiều đường bay đến Đài Loan nên việc đi lại thuận tiện, chi phí giảm nhiều so với trước đây.

Một lần khác, tôi và một người bạn lang thang tìm quán ăn trên phố vào lúc 2h sáng. Ngoại trừ trong chợ đêm thì quán ăn đêm vỉa hè không có nhiều nên phải đi khá xa. Ăn xong về lại khách sạn bị lạc đường, hoa chân múa tay hỏi một cụ già người Đài Loan đang mua đồ trong một cửa hàng tiện ích. Theo hướng tay cụ già chỉ chúng tôi rảo bước, nhưng càng đi càng thấy hình như không giống con đường đã đi lúc trước. Đang thắc mắc sao lúc đi bộ tìm quán ăn chỉ mất chừng 15 phút thì bỗng nhiên cụ già vừa hỏi đường đạp xe tới luôn miệng xin lỗi và chỉ cho chúng tôi đi hướng ngược lại với thái độ nhiệt tình, thân thiện!

Biết tôi đã từng đến Đài Loan, một số người bạn ở Hà Nội có kế hoạch du lịch cuối tháng 3 này gọi điện hỏi kinh nghiệm. Và tôi nói với họ rằng: Cứ sang đó chơi và cảm nhận những điều thú vị!

Tuấn Lương