Cần hệ thống kiểm chuẩn quốc gia

Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 06/03/2017

(HNM) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế trước ngày 1-7-2017 thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ, sau đó sẽ mở rộng trong hệ thống. Điều này sẽ thuận lợi cho người bệnh, tuy nhiên muốn thực hiện được ngành Y tế cần có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia.


Lãng phí do lạm dụng xét nghiệm

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí cho việc chụp chiếu, xét nghiệm, chẩn đoán chiếm khoảng 20% tổng chi khám chữa bệnh. Thậm chí, tại một BV ở Quảng Ninh, chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40% tổng chi khám chữa bệnh, dẫn đến bội chi bảo hiểm y tế khá cao.

Xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt



Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, số lượng xét nghiệm tại các BV năm sau tăng hơn năm trước và tăng trung bình hơn 10%/năm. Cụ thể, năm 2011, các cơ sở y tế thực hiện hơn 308 triệu lượt xét nghiệm các loại; năm 2012, con số này là hơn 357 triệu lượt; năm 2013 là hơn 413 triệu lượt; năm 2014 là hơn 447 triệu lượt và năm 2015 thực hiện hơn 450 triệu lượt xét nghiệm.

Thực tế tại không ít cơ sở y tế hiện nay, tình trạng nhân viên y tế lạm dụng việc chụp chiếu, xét nghiệm diễn ra thường xuyên. Anh Nguyễn Mạnh (38 tuổi, ở ngõ 33 Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) kể rằng, khi thấy con trai 3 tuổi bị sổ mũi, ho lâu ngày không khỏi, vợ chồng anh đã đưa cháu đến BV gần nhà để khám. Tại đây, bác sĩ cặp nhiệt độ và cho biết cháu không bị sốt, soi họng thấy không sưng, không đỏ, nghe phổi thấy kết quả bình thường nhưng vẫn chỉ định chụp X-quang. Khi vợ anh thắc mắc rằng tại sao lại chỉ định chụp X-quang khi không thấy cháu có dấu hiệu viêm phổi thì bác sĩ giải thích rằng chụp cho… yên tâm. “Lần khác, tôi đưa bố tôi đến BV khám bệnh về phổi. Từ BV tuyến thành phố lên tới tuyến trung ương, bố tôi đều phải làm lại kết quả xét nghiệm dù đã có kết quả xét nghiệm trước đó”, anh Nguyễn Mạnh nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng cho rằng, việc một số kết quả xét nghiệm khi chuyển viện bị yêu cầu làm lại chủ yếu do nguyên nhân khách quan, xét nghiệm lại nhằm mục đích giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều xét nghiệm phải làm đi làm lại dù không cần thiết.

Còn theo ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức, cần có cái nhìn tổng thể về việc không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau hiện nay, từ đó có biện pháp phù hợp. Thực tế, một số BV giao cho các khoa tự chủ tài chính, bác sĩ “vắt kiệt” người bệnh bằng cách bắt họ làm thêm xét nghiệm dù đã có kết quả ở tuyến dưới, thậm chí cả khi người bệnh có kết quả xét nghiệm ở khoa khác cùng trong BV. Do đó, BV Việt-Đức quản lý tài chính chung, bệnh nhân chỉ đến "một cửa" và kết quả xét nghiệm được dùng chung cho các khoa.

Ông Trần Bình Giang cho rằng, việc không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau còn có lý do khác. Đó là sự khác biệt về chất lượng xét nghiệm giữa các BV. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 điều kiện quan trọng (gồm máy xét nghiệm, hóa chất và độ chuẩn của máy), nhưng các yếu tố này có sự khác nhau ở những BV khác nhau. Nhiều BV có máy móc bảo đảm chất lượng, nhưng cũng có nơi mua máy cũ về sử dụng.

Phải nâng chuẩn xét nghiệm

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Bạch Mai) đánh giá, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV là chủ trương đúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các phòng xét nghiệm của các BV hiện chưa đồng chuẩn, chất lượng xét nghiệm có sự chênh lệch, nếu muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì phải có một chuẩn chung. Đơn cử như phòng xét nghiệm của BV Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng ở nước ta số BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như vậy không nhiều. Chưa kể, máy xét nghiệm, hóa chất của các BV được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm có trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau.

“Bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của BV khác để tiến hành phẫu thuật ngay lập tức, nếu không may, kết quả xét nghiệm đó không chuẩn, bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?”, TS Dương Đức Hùng nêu vấn đề.

Đồng quan điểm nói trên, Giám đốc Trần Bình Giang cho rằng, để việc liên thông kết quả xét nghiệm được thuận lợi, giảm chi phí cho người bệnh, điều quan trọng là phải nâng chuẩn xét nghiệm tại các BV. Mặt khác, phải có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia để kiểm tra tất cả máy móc nhằm bảo đảm chất lượng thiết bị xét nghiệm giữa các BV tương đương nhau. Hiện nay, BV Hữu nghị Việt - Đức vẫn sử dụng lại kết quả xét nghiệm của những BV lớn, có uy tín dựa trên lòng tin. Để liên thông kết quả xét nghiệm thì phải kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các BV theo tiêu chuẩn ISO. Phải có một hội đồng chịu trách nhiệm đánh giá các kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, cũng cần phải có quy định về thời hạn sử dụng kết quả xét nghiệm.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, trước mắt khi phòng xét nghiệm của nhiều BV còn chưa đạt chuẩn thì Bộ Y tế phải đứng ra làm “trọng tài”, chỉ định những BV nào công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, loại bệnh lý nào khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm.

Thu Trang