Nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 06/03/2017
Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết việc gia tăng chi phí quân sự là “một trong những chương trình tái trang bị quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Theo đó, Mỹ sẽ “đưa lực lượng vũ trang lên tầm cao mới cả về phòng thủ, tấn công và tất cả những gì đang có”. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng mục đích của quyết định tăng ngân sách quốc phòng “mạnh tay” lần này là nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước cũng như người dân Mỹ. Các khoản chi tiêu sẽ tập trung cho các lĩnh vực như đóng tàu, sản xuất máy bay quân sự và thiết lập “sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ tại các tuyến đường thủy quan trọng quốc tế” như eo biển Hormuz và Biển Đông.
Nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới đang hiện hữu. |
Hồi tháng 1, Tổng thống D.Trump cũng đã từng ký ban hành một sắc lệnh hành pháp bắt đầu một quá trình “tái thiết vĩ đại” các lực lượng vũ trang. Hiện nay, quân đội Mỹ có khoảng 1,3 triệu quân, đồng thời duy trì gần 1.000 căn cứ quân sự trên toàn thế giới với ngân sách quốc phòng hằng năm lên tới hơn 600 tỷ USD.
Trước đó, với tuyên bố sẽ làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, vị Tổng thống tỷ phú đã đề cập đến mong muốn tăng cường năng lực hạt nhân của xứ Cờ hoa. Những dự định này khiến các nhà phân tích đồn đoán về khả năng sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, kể cả trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử. Ngay từ khi mới nhậm chức, ông D.Trump đã cho rằng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) là "thỏa thuận của một bên" và điều đó đang khiến cho sức mạnh của Mỹ giảm sút. Tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh Washington cần phải tăng cường và mở rộng năng lực nguyên tử “cho tới khi thế giới đạt được những nhận thức về hạt nhân”.
Ngay sau những động thái của Mỹ, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga nhấn mạnh, nếu những tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng mang hàm ý để nước này giành quyền tối thượng về hạt nhân thì có thể sẽ đưa thế giới trở lại thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc chạy đua vũ trang những năm 50 và 60 của thế kỷ trước.
Không chỉ vậy, hệ quả có thể coi là tiêu cực nhất từ quyết định gia tăng ngân sách quân sự của Tổng thống Mỹ D.Trump là những phản ứng từ phía Trung Quốc - quốc gia nhiều năm gần đây cũng gia tăng mạnh chi phí quân sự. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington đang trong giai đoạn chưa có sự định hình rõ ràng sau khi Tổng thống D.Trump liên tục phát biểu không mấy tích cực nhằm vào nước này trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh.
Trong năm ngoái, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Châu Âu và Canada đã tăng chi tiêu quốc phòng tổng cộng 10 tỷ USD, lớn hơn mức kỳ vọng ban đầu. Đức, trung tâm kinh tế của Lục địa già cũng đã đưa ra mức tăng lớn nhất trong hơn một thập kỷ cho chi phí quân sự lên 8%, tương đương 39 tỷ USD hồi cuối năm trước. Do vậy, việc Mỹ quyết tâm khẳng định vị thế bằng một ngân khoản khổng lồ về quốc phòng có thể sẽ khiến “cơn lốc” chạy đua quân sự tăng thêm cấp độ và mở rộng phạm vi trên toàn cầu.