Cần sự ổn định chính sách

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 08/03/2017

(HNM) - Những năm gần đây, các chính sách cởi mở của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Công nghiệp ô tô phát triển. Hơn chục năm trước, khi chúng ta mới chỉ dám nghĩ đến việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ô tô thì đến nay các doanh nghiệp trong nước đã tham gia sâu và khẳng định vị thế trong ngành này. Nhiều doanh nghiệp giữ thị phần lớn, điển hình như Công ty Trường Hải.


Dễ thấy, cạnh tranh tự do đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Sản xuất ô tô trong nước, đồng thời cũng làm bùng nổ thị trường ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (CBU). Từ những năm đầu thế kỷ XXI, chính sách cởi mở đã tạo nên một thị trường ô tô sôi động, là miếng bánh ngon ngọt để nhiều doanh nghiệp nhảy vào giành thị phần. Sự cạnh tranh đã trở thành “liều thuốc” hiệu quả để kích thích ngành công nghiệp này phát triển.

Thế nhưng, cũng nhanh chóng sau đó, khi lượng xe nhập khẩu quá nhiều, vượt xa nhu cầu trong nước đã khiến lượng xe tồn kho năm 2010 trở nên nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã lao đao. Tháng 5-2011, Bộ Công Thương đã phải ban hành Thông tư 20 bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống với những tiêu chí khó khăn hơn. Thị trường ô tô nhập khẩu bắt đầu chuyển sang một trạng thái mới, ổn định hơn. Tuy rằng có không ít doanh nghiệp nhập khẩu mất cơ hội, nhưng với thị trường trong nước, những điều kiện cởi mở của thông tư này cũng đáng kể, có thời điểm tổng sức mua đã vượt mốc 300 nghìn xe/năm (2016).

Bước sang năm 2017, thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm mạnh, nhiều người kỳ vọng giá xe sẽ rẻ, thị trường có nhiều lựa chọn. Quả vậy, chỉ trong hai tháng đầu năm nay lượng xe nhập khẩu tăng mạnh, giá xe nhập khẩu nửa đầu tháng 2-2017 đã giảm 10.600 USD/chiếc (hơn 240 triệu đồng) so với giá xe cùng thời điểm năm 2016. Trên thị trường, người chuẩn bị mua xe thì hoan hỉ, nơi muốn bán lại nhăn nhó khi các hãng đua nhau giảm giá.

Trước tình hình ô tô ồ ạt tràn vào Việt Nam, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung rà soát, sửa ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp.

Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Song, đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của ngành Công nghiệp ô tô chưa xứng. Một trong những nguyên nhân là do chính sách thuế liên quan đến sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước có nhiều thay đổi, khiến các doanh nghiệp ô tô không dám mạnh dạn đầu tư theo chiều sâu, mà chỉ đầu tư dây chuyển lắp ráp để tránh thuế nhập khẩu cao.

Nhằm tạo điều kiện ổn định cho ngành Công nghiệp ô tô phát triển, đến lúc chúng ta cần quan tâm đến các chính sách thuế không chỉ là thúc đẩy sản xuất, lắp ráp mà còn phải hướng tới các doanh nghiệp phụ trợ. Có thể nghiên cứu cách thức mà nước láng giềng Thái Lan đang áp dụng, các mức thuế suất cần quan tâm tới tỷ lệ nội địa hóa nhằm khuyến khích đầu tư theo chiều sâu. Tỷ lệ nội địa hóa càng cao, thuế suất càng giảm và ngược lại.

Ngành Công nghiệp ô tô nước ta đang vừa phải phát triển trong nước lại vừa phải tìm giải pháp cạnh tranh với xe nhập khẩu. Việc mở cửa thị trường với các nước ASEAN khiến các doanh nghiệp ô tô trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh với làn sóng nhập khẩu ồ ạt như thời gian vừa qua. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành các chính sách có tính chất ổn định và đủ sức nâng đỡ phát triển ngành Công nghiệp ô tô trong nước sao cho hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuấn Kiệt