Những điều thu nhận từ cuộc sống

Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 08/03/2017

(HNM) - Sau nhiều năm tập trung dàn dựng những vở chính kịch và tâm lý dài hơi, Nhà hát Kịch Hà Nội bất ngờ tung ra một chùm hài kịch mới với tựa đề “Oái oăm… đời!”. Điểm đặc biệt là chất liệu để làm nên những tiếng cười sâu sắc và thâm thúy ấy được thu nhận từ cuộc sống đời thường.


Chùm tiểu phẩm có tên gọi “Oái oăm… đời!”, được viết bởi ngòi bút hài có duyên - “GS Xoay” Đinh Tiến Dũng gồm 4 câu chuyện dở khóc dở cười trong cuộc sống hiện đại. Nhà hát Kịch Hà Nội đã mời NSND Lê Hùng - người làm nên thương hiệu “Đời cười” từng khuấy đảo sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ suốt nhiều năm trước - làm đạo diễn. "Vấn đề" nằm ở khâu diễn xuất: Ngoài NSƯT Công Lý, liệu dàn diễn viên đẹp và sáng ở mảng chính kịch của nhà hát này khi bước vào thử thách hài kịch có tìm được duyên?



Tiểu phẩm đầu tiên của “Oái oăm… đời!” là “Hội người khôn”, vui mắt ngay ở cảnh mở đầu với tấm biển giăng ngang sân khấu: “Hiệp hội khôn”. Tác giả đề cập đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang “nóng” trong đời sống nên lập tức gây chú ý. Chuyện là những người nông dân trong làng nọ, vì hám lợi, lười lao động nên đã “táo bạo” nuôi trồng, chế biến thực phẩm bằng cách phun chất kích thích vô tội vạ lên rau củ, tiêm thuốc tăng trọng cho lợn, gà và làm rượu... từ nước giếng và hóa chất. Giàu có nhanh chóng, họ tự cho mình là khôn, và còn khôn hơn khi không bao giờ sử dụng sản phẩm của chính mình làm ra mà tìm nguồn cung cấp khác. Nhưng họ có thật sự khôn trước những người làm ăn chân thật vẫn bị cho là “ngu”, là “dốt” hay không?... Gói gọn trong 20 phút, tiểu phẩm để lại suy nghĩ cho người xem khi bước vào tiểu phẩm thứ 2 “Phòng tìm duyên” với những tình huống khá nhẹ nhàng. Đó là dịch vụ gặp gỡ, hẹn hò của những người con trai, con gái đang muốn tìm một nửa của mình. Nhân vật chính là cô gái quá lứa, đã tiếp cận với đủ kiểu đàn ông nhưng không ai hợp mắt cô. Quay đi quay lại, bỗng cô "nhìn ra" người bạn bên cạnh, người đã nhiệt tình giúp mình suốt bao năm qua trong hành trình tìm duyên.

Tiểu phẩm thứ 3 “Mày là bố tao” mở ra một tình huống trớ trêu trong gia đình có hai bố con. Cô con gái vác bụng vượt mặt, đưa bạn trai lớn tuổi về nhà ra mắt bố. Oái oăm chính là việc ông bố nhận ra bạn trai của con là bạn học khi xưa của mình, thậm chí mấy chục năm trước họ đã cùng yêu một đối tượng - chính là người mẹ đã khuất của cô gái… Tiểu phẩm cuối cùng là “Người giàu cũng khó”, nói về một gia đình nông dân phất lên nhờ nhà nằm trong khu vực giải tỏa để mở đường. Họ quyết sống “cho ra đại gia thì thôi” bằng cách thuê thầy dạy làm quý tộc, vung tay mua sắm, tiêu pha vô lối. Nhưng rồi cái gì dễ đến cũng dễ đi...

Làm hài kịch không như chính kịch, càng khó khi chỉ là những tiểu phẩm ngắn nhưng phải hàm chứa ý nghĩa với đời, đem lại tiếng cười trí tuệ cho khán giả. Câu chuyện mà 4 tiểu phẩm đề cập có thể gặp đâu đó trong cuộc sống, chẳng hạn như những vụ ngộ độc thực phẩm và rượu trong dịp Tết vừa qua. Sự tinh tường và cái duyên của tác giả và đạo diễn đã giúp họ “nhặt” được nhiều chi tiết đắt giá cho chùm tiểu phẩm. Những tình huống oái oăm nêu ra được giải quyết thỏa đáng, giàu tính nhân văn. Những gương mặt quen thuộc của chính kịch như NSƯT Tiến Hợi, Thanh Tùng, Điền Viên, Mạnh Hưng, Mai Huyền, Quân Anh, Thúy An, Quang Minh… chưa hẳn gây “ép phê” khi diễn nhưng cũng “bắt” được ý đồ của tác giả và đạo diễn.

Theo Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đối tượng, phạm vi phục vụ của đơn vị khá rộng. Dù danh mục biểu diễn nhiều nhưng phần lớn là những vở kịch dài hơi được dàn dựng hoành tráng, phù hợp ở các rạp có trang thiết bị hiện đại, nếu đưa đến những sân khấu ngoài trời để phục vụ bà con nông thôn thì khó bảo đảm chất lượng. Chùm hài kịch này khá phù hợp cho việc lưu diễn. Hơn nữa, mỗi tiểu phẩm hoàn toàn có thể đứng độc lập nên "Oái oăm... đời!" hứa hẹn tạo dấu ấn mới cho Nhà hát Kịch Hà Nội.

Yên Nga