Bỏ đại học để... lập nghiệp

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 08/03/2017

(HNM) - Đang học năm thứ nhất đại học, Nguyễn Văn Thiết (sinh năm 1995) quyết định bỏ ngang để ghi danh vào Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Quyết định này của em khiến bạn bè, người thân bất ngờ, bởi đi ngược với trào lưu “Chuộng làm thầy hơn làm thợ”.


Thành công từ khổ luyện

Như với nhiều bạn bè cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Thiết (TP Vinh, Nghệ An) nộp hồ sơ dự thi đại học. Trúng tuyển, rồi tham gia học tập tại Trường Đại học Vinh (Nghệ An) một thời gian, Thiết vẫn chưa thể bắt kịp được với việc học, bởi không đúng sở trường và không cả niềm đam mê với nghề đã chọn. Điều này khiến Thiết khá hoang mang, lo lắng, thậm chí nhiều lúc muốn bỏ cuộc, song “bỏ thì học gì, làm gì cho phù hợp?” lại là câu hỏi em chưa thể trả lời. Đúng thời điểm này, Nguyễn Văn Thiết cùng mẹ ra Hà Nội thăm anh trai, nhân dịp anh giành được giải cao tại Hội thi Tay nghề ASEAN 2014, lập tức em bị cuốn hút với việc dạy nghề, học nghề tại đây. Em năn nỉ mẹ cho “rẽ ngang”, bởi niềm tin thôi thúc, đây mới chính là công việc mình muốn được gắn bó lâu dài và có cơ hội phát triển.

Nguyễn Văn Thiết cùng thầy giáo trong ngày trở về sau kỳ thi tay nghề ASEAN 2016.



Nhận được cái gật đầu của mẹ, Nguyễn Văn Thiết ghi danh vào Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và trúng tuyển Khoa Điện - Điện tử ngay năm học đó. Khác với việc học tập ở trường trước đây, Thiết nhập cuộc rất nhanh, phần vì đam mê thật sự, phần vì muốn chứng tỏ với người thân, gia đình đây là quyết định đúng đắn cũng như ngầm khẳng định đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Những bỡ ngỡ thời gian đầu trong việc học tập ở trường mới không làm em nản. Trái lại, mỗi khi gặp khó, em thường tìm đến thầy giáo, cô giáo, bạn bè và chính anh trai mình để được giải đáp.

“Nghề gì cũng vậy, kiến thức có mà không trau dồi, luyện tập sẽ không thể phát huy. Quá trình thực hành còn làm nảy sinh nhiều sáng kiến mới cũng như giúp chính mình phát hiện ra những hạn chế của bản thân để kịp thời khắc phục”, Nguyễn Văn Thiết chia sẻ. Xác định được như vậy, Thiết dành hầu hết thời gian trong phòng thực hành của trường để luyện tay nghề; mỗi khi có cuộc thi nào liên quan đến ngành nghề mình đang theo học, Thiết đều đăng ký tham gia với tâm nguyện: Thi để biết mình đang đứng ở đâu và cần nỗ lực như thế nào để đạt được điều mình mong muốn. Thiết nhận ra: “Càng dành thời gian cho việc học tập, nghiên cứu, em càng thấy sức hấp dẫn của ngành nghề mình theo đuổi, các ý tưởng cứ nối tiếp nhau xuất hiện, khiến em và bạn bè hào hứng vô cùng. Nhiều lúc ở trong phòng thực hành cả ngày đến quên ăn, quên nghỉ mà chẳng thấy mệt mỏi”.

Học nghề để lập nghiệp

Với mục tiêu thi để học hỏi, Nguyễn Văn Thiết đăng ký tham gia nhiều cuộc thi nghề của trường, thành phố và đã giành vị trí cao trong cuộc thi nghề quốc gia. Nhờ thành tích trong cuộc thi này, em tiếp tục được chọn vào đội tuyển thi nghề Việt Nam tại Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 11, diễn ra tại Malaysia vào tháng 9-2016. Hội thi được coi là sân chơi uy tín của khu vực, nơi các quốc gia trong khối ASEAN thể hiện tài năng, kỹ thuật cao cũng như trình diễn công nghệ trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp, trong đó có rất nhiều ngành nghề được đưa vào nội dung thi đấu như: Cơ điện tử, thiết kế kỹ thuật cơ khí, bảo trì máy CNC; tự động hóa công nghiệp; thiết kế trang web…

Trải qua 3 ngày thi với những bài thi hóc búa, phần thi “Tự động hóa Công nghiệp” của Thiết và đồng đội đã xuất sắc giành huy chương vàng tại Hội thi Tay nghề khu vực, góp phần đưa đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 9 nước tham dự.

Chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Vân, giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, người trực tiếp hướng dẫn Nguyễn Văn Thiết từ những ngày đầu dự thi tay nghề, đánh giá: “Điểm khác biệt và đáng quý ở Nguyễn Văn Thiết chính là ngay từ đầu em đã rất tự tin, quyết tâm, say mê với con đường học nghề mà mình chọn, điều không phải ở người trẻ nào cũng có. Những yếu tố này đã giúp Thiết vượt qua nhiều khó khăn trong việc học tập cũng như trong các kỳ thi - nơi mà tâm lý, rào cản ngôn ngữ, điều kiện công nghệ khác biệt dễ khiến thí sinh phân tâm, lo lắng. Cùng với những gì đã học được trong trường, nỗ lực ngày đêm thực hành, tập luyện đã mang lại cho Thiết thành tích học tập xuất sắc và tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp”.

Huy chương vàng tay nghề ASEAN khiến Nguyễn Văn Thiết trở thành người "nổi tiếng bất đắc dĩ" cũng như mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cậu sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Thiết hào hứng kể: Từ sau kỳ thi trên, nhiều bạn trẻ nhận ra em, đề nghị được chụp ảnh cùng khiến em rất vui. Em cũng nhận được một số đề nghị làm việc hấp dẫn khi ra trường, mà Nhà máy Samsung Thái Nguyên là một ví dụ. Tuy nhiên, “không có con đường nào trải sẵn thảm để bản thân dễ dàng đến đích”, trong khi mục tiêu thực sự của em vẫn còn đang ở phía trước. Ước mơ của em là tiếp tục trau dồi, rèn luyện chuyên môn lắp đặt và điều khiển điện trong công nghiệp để có thể tạo ra những sản phẩm thiết thực giải phóng con người, để những người lao động như cha mẹ em, nhờ phương tiện tự động hóa, không còn phải chịu nhiều cực nhọc như trước nữa.

Nguyễn Văn Thiết hiện đang theo học năm cuối Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, đã được tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cùng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô 2016, và là một trong 20 đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016. Chàng trai quyết tâm bỏ đại học để đi học nghề này rất tâm đắc với câu nói: “Cuộc sống là một chuỗi dài những lựa chọn. Quyết định của bạn hôm nay là hình ảnh của bạn mai sau”. Đây chính là phương châm sống mà Thiết đang dụng công theo đuổi: Cố gắng hôm nay vì thành tựu ngày mai!

Miên Hạo