Nỗi lo “đi trước, về sau”
Thể thao - Ngày đăng : 10:02, 09/03/2017
Ở giải đấu kiếm trẻ Châu Á 2017 tại Thái Lan, kiếm thủ Nguyễn Thị Luyến giành tấm HCĐ nội dung Kiếm ba cạnh lứa tuổi U20. Đấy là thành tích đáng kể của kiếm quốc tế Việt Nam cũng như Hà Nội sau nhiều năm âm thầm gây dựng lực lượng dù gặp nhiều khó khăn về thiết bị luyện tập, kinh phí thi đấu và tập huấn quốc tế.
VĐV Nguyễn Thị Luyến (phải). |
Không ngẫu nhiên mà ngay trong ngày kiếm thủ Nguyễn Thị Luyến giành tấm HCĐ cấp độ châu lục đầu tiên trong đời VĐV, HLV của cô là Nguyễn Minh Quân lại trầm ngâm, vui ít lo nhiều. Vị HLV từng góp phần giúp kiếm quốc tế Việt Nam lần đầu tiên giành vé chính thức tham dự Olympic (kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật ở Olympic 2012), giờ làm việc cho bộ môn Kiếm quốc tế Hà Nội, nói rằng mừng cho học trò nhưng cũng lo học trò sẽ lâm vào cảnh “đi trước về sau”.
Đấy là câu chuyện kéo dài nhiều năm qua của thể thao Việt Nam khi VĐV trẻ Việt Nam không kém, thậm chí hơn các VĐV nhiều nước khác ở khâu xuất phát. Nhưng theo thời gian, khi sự đầu tư cho VĐV Việt Nam kém hơn thì họ lại để đối thủ vượt qua.
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, sự vươn mình mạnh mẽ của các kiếm thủ Singapore đang khiến những người có trách nhiệm với bộ môn Kiếm quốc tế ở Việt Nam cũng như Hà Nội lo ngay ngáy. Các kiếm thủ ở đảo quốc sư tử được đầu tư mạnh mẽ, theo những tiêu chuẩn trong mơ với các kiếm thủ Việt Nam như được thi đấu quốc tế 1 lần/tháng. Hệ quả là Singapore trở thành đối trọng số 1 của đội tuyển kiếm Việt Nam ở SEA Games 29 tới. Khả năng đội tuyển kiếm quốc tế Việt Nam bị Singapore vượt qua là điều trông thấy.
Còn ở giải trẻ Châu Á vừa qua, đội kiếm quốc tế Singapore cũng gặt hái được thành tích ấn tượng hơn đội tuyển Việt Nam. Với đà đầu tư như hiện nay, các kiếm thủ Singapore còn tiến xa trong khi các kiếm thủ Việt Nam tiến đến đâu vẫn là dấu hỏi, nhất là khi đang hưởng mức đầu tư kém hơn.