Nguy cơ ô nhiễm từ các khu chợ tạm

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 09/03/2017

(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội, ngoài các khu chợ đầu mối và chợ chính thức được phép hoạt động còn có hàng trăm khu chợ tự phát... Mỗi ngày, các khu chợ tự phát thải ra hàng trăm tấn rác làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Giết mổ cá ngay ở vỉa hè khu tập thể Thành Công.


Dạo một vòng qua các khu tập thể cũ như Thành Công (Ba Đình), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), Phương Mai (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng)…, dễ dàng nhận thấy ở đâu cũng có chợ cóc, chợ tạm. Không chỉ vỉa hè, lòng đường mà ngay cả các ô đất lưu không cũng bị người dân tận dụng làm nơi bán hàng. Người dân quanh khu vực chợ tạm đang sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề từ rác của những người bán hàng xả ra.

Từ sáng sớm đến chiều tối, đường đi vào các khu tập thể ở gần chợ Thành Công lúc nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán. Nhiều sân chơi, lòng đường, vỉa hè nhường chỗ cho người dân bày bán hàng hóa, không khó để bắt gặp hình ảnh những đống rác la liệt ở khắp mọi nơi. Thậm chí, những người bán hàng còn tùy tiện giết gà, vịt, mổ cá… ngay tại chỗ, xả nước bẩn, thải vảy cá, lông gà, vịt ra mặt đường. Mùi hôi tanh tỏa ra khắp khu dân cư. Theo nhiều người dân, tình trạng này diễn ra đã nhiều năm và họ không còn cách nào lựa chọn là sống chung với tình trạng ô nhiễm.

Nhiều khu nhà tập thể ở quanh chợ Nghĩa Tân cũng trong tình trạng tương tự. Không nhộn nhịp như chợ Thành Công, các đường đi quanh khu tập thể cũng có hàng trăm người bán hàng rong. Đã từ lâu, hình ảnh rau, quả thối, túi ni lông ngập ngụa khắp mặt đường sau mỗi buổi tan chợ và mùi tanh hôi bốc lên từ các hàng hải sản, gia cầm đã trở thành quen thuộc với người dân sinh sống ở khu tập thể Nghĩa Tân. Không chỉ ở các khu tập thể cũ, các khu đô thị mới chưa có chợ như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên, Đền Lừ… cũng phát sinh chợ tạm, chợ cóc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Cả người bán hàng và người đến mua hàng đều thiếu ý thức, tùy tiện xả rác, biến các khu đô thị này trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường.

Để giảm tình trạng xả rác bừa bãi, cơ quan chức năng đã cho đặt các thùng rác ở xung quanh chợ, nhưng nhiều người vẫn tiện đâu vứt đó. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố có khoảng 200 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Tổng lượng rác thải phát sinh trong khu vực nội thành khoảng 4.000 tấn/ngày, trong đó lượng rác từ các khu chợ chiếm một phần không nhỏ.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, trong đó có quy định rõ: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Vậy nhưng, cho đến nay tình trạng người dân xả rác ở những nơi công cộng vẫn khá phổ biến. Điều này chứng tỏ một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có ý thức chấp hành pháp luật về giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, hiện nay ý thức của người dân với môi trường chưa tốt cho nên ngoài việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý thì cũng cần tăng cường nhận thức cho người dân trong các khu đô thị, khu dân cư.

Thiết nghĩ, để tình trạng xả rác bừa bãi tại các khu chợ tạm, chợ cóc vẫn xuất hiện trong khi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã chính thức được ban hành và có hiệu lực, chủ yếu do chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa bàn chưa vào cuộc quyết liệt. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc chấp hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Duy Biên