Sức vươn ở miền sơn cước
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:10, 10/03/2017
Những công trình hạ tầng ở xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) được đầu tư khang trang. |
Sức bật từ nông thôn mới
Con đường từ trụ sở xã Đông Xuân tới thôn Đồng Bồ, Đá Thâm dài khoảng 5km. Trước năm 2017, đây là các thôn đặc biệt khó khăn của Chương trình 135 (chương trình dân tộc miền núi). Nằm ở vùng cao nên nước sinh hoạt ở đây khan hiếm, nước tưới cho cây trồng hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên sản xuất bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bí thư Chi bộ thôn Đá Thâm Trần Danh Nhàn dẫn chúng tôi thăm những con đường nội đồng mới được bê tông thẳng tắp, nối dài từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Ông Nhàn chia sẻ, từ ngày triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân đã đổi thay rất nhiều. Đầu năm 2016, thôn có 16 hộ nghèo thì đến cuối năm giảm xuống chỉ còn 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Bản thân gia đình ông Trần Danh Nhàn kinh tế cũng khá lên rõ rệt, hiện nay gia đình đang nuôi hàng trăm con lợn rừng, 20 đàn ong mật, trồng 7 sào ngô, cây ăn quả. Mỗi năm, trừ chi phí thu về hơn 300 triệu đồng.
Từ xã Đông Xuân đến xã Phú Mãn, con đường đã được trải bê tông sạch đẹp. Người dân ai nấy đều vui. Niềm vui càng nhân lên khi người nông dân ở đây xin được việc làm tại trang trại chăn nuôi lợn gần nhà, lương thử việc 3,6 triệu đồng/tháng và nếu được nhận vào làm chính thức, thu nhập tăng lên từ 5 đến 6 triệu đồng. Theo lời ông Đinh Công Vượng, cán bộ xã Phú Mãn, bây giờ xã có hàng chục trang trại chăn nuôi lợn rừng quy mô từ 100 đến 1.000 con. Bà Bùi Thị Đính (thôn Đồng Âm, xã Phú Mãn) so sánh: “Trước khi làm ở đây, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, ngày nông nhàn không biết làm gì. Bây giờ, chỉ một người ở nhà chăm ruộng vườn và mấy con trâu cũng đủ cái ăn”. Cũng theo lời bà Đính, nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống bà con ngày càng khấm khá. Ngoài nuôi lợn, nhiều hộ đã cải tạo đất trống, đồi núi trọc sang trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi da xanh, nhãn, vải. Nhờ đó, đến hết năm 2016, cả xã Phú Mãn chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm 1,34% tổng số hộ.
Phú Mãn và Đông Xuân là xã đặc thù của huyện Quốc Oai, nơi tập trung hơn 80% bà con dân tộc Mường sinh sống. Cả 2 xã đều thuộc xã miền núi, đất nông nghiệp tuy lớn nhưng không tập trung và nằm phân tán giữa các dãy núi nên hạn chế về nguồn nước. Chỉ khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp của địa phương trồng được lúa, diện tích còn lại trồng rau, ngô, sắn… Diện tích rừng ở đây khá lớn nhưng người dân chỉ trồng keo, bạch đàn, hiệu quả chưa cao; công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển.
Nhưng theo ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, nhờ có những chính sách của Trung ương và thành phố đối với phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong các năm qua, Quốc Oai đã triển khai hàng chục dự án với tổng mức đầu tư gần 240 tỷ đồng cho hai xã phát triển giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc. Chính những "cú hích" này đã tạo tiền đề để hết năm 2016, hai xã Phú Mãn và Đông Xuân đều đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ khang trang, bà con thuận lợi trong sản xuất, đời sống được nâng lên rất nhiều.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Đồng bào dân tộc Mường bao năm nay sống quần tụ trong một cộng đồng và có những nét văn hóa riêng biệt. Đời sống càng đổi thay, bà con càng có điều kiện để chăm lo phát huy nét đẹp văn hóa. Nhắc tới văn hóa Mường là nhắc đến cồng chiêng. Đây là loại nhạc cụ biểu trưng cho nét văn hóa, quan niệm sống, tài sản quý giá của dân tộc Mường. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh: “Người Mường yêu quý và bảo vệ cồng chiêng như báu vật của gia đình, dòng họ. Từ xưa đến nay, giá trị của mỗi chiếc cồng chiêng có thể sánh với một con trâu đứng đầu cơ nghiệp. Nó đã vượt ra ngoài ngôn từ để nói về nhạc khí mà còn là loại hình văn hóa”.
Một dàn chiêng của người Mường có 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, có 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Việc tấu chiêng cũng tùy theo từng hoàn cảnh, điều kiện mà có cách đánh phù hợp trong đời thường, trong các nghi lễ tín ngưỡng, tang ma, trong lễ hội, ngày Tết. Tuy nhiên, do những thay đổi mạnh mẽ bởi xu hướng hội nhập văn hóa và những tác động khác, văn hóa cồng chiêng của người Mường cũng chịu những sức ép lớn. Nhiều nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp, các buổi biểu diễn cồng chiêng thưa dần, số lượng cồng chiêng cổ vì thế cũng thất lạc nhiều...
Nguyên Trưởng phòng Dân tộc huyện Quốc Oai Nguyễn Văn Vinh cho biết, thống kê số lượng cồng chiêng của hai xã Phú Mãn và Đông Xuân còn lại không nhiều, đa phần trong tình trạng cũ, âm thanh đánh lên không còn được tròn tiếng. Người biết biểu diễn cồng chiêng hầu hết đã lớn tuổi, lớp thanh niên tham gia không nhiều. Đây là nỗi trăn trở của nhiều người dân ở đây.
"Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố và huyện Quốc Oai, chúng tôi đã vận động các gia đình có chiêng, mang góp lại để thành một bộ hoàn chỉnh. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng các đội chiêng vẫn nhiệt tình tham gia tập luyện” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh cho biết. Huyện Quốc Oai cũng đã tặng 6 bộ chiêng và 60 bộ trang phục dân tộc Mường cho nhân dân hai xã. Đồng thời tổ chức nhiều hội thi như: Biểu diễn cồng chiêng - nét đẹp bản Mường trong đồng bào dân tộc thiểu số để bà con có “sân chơi” và phát huy bản sắc dân tộc.
Ngày nay về xứ Mường Quốc Oai, đã nhận thấy đời sống của đồng bào có những chuyển mình, hai xã dân tộc miền núi của huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Và cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những bà, những mẹ, những chị người Mường diện trang phục dân tộc - thứ mà trước đây rất ít người mặc. Thôn nào cũng có đội cồng chiêng, bà con sáng đèn tập luyện. Điều này mang lại hy vọng người dân xứ Mường ở huyện Quốc Oai sẽ giữ được và phát huy tốt bản sắc văn hóa của dân tộc mình...