Hạ ngầm đường dây viễn thông, điện lực: Vẫn vướng giấy phép xây dựng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 10/03/2017
Hà Nội đang khẩn trương hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông và điện lực. Ảnh: Nguyễn Huyền |
Đã hoàn thành thi công 14 tuyến
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi được UBND thành phố chấp thuận danh mục 18 tuyến phố triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông, điện lực trung, hạ áp năm 2016, đến hết tháng 2-2017, các DN đã cơ bản hoàn thành thi công tại 14/18 tuyến. 4 tuyến còn lại (gồm Nguyễn Du, Đại Cồ Việt, Thụy Khuê, Giải Phóng) do Tổng công ty MobiFone là chủ đầu tư đang tiếp tục thi công hoàn thiện.
Cuối tháng 12-2016, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận danh mục các tuyến phố hạ ngầm dây, cáp viễn thông, điện lực do liên ngành Xây dựng - Thông tin và Truyền thông trình thực hiện hạ ngầm đợt 1 năm 2017. Theo phê duyệt của UBND thành phố, có 60 tuyến phố triển khai hạ ngầm tại 4 quận nội thành cũ Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; trong đó các nhà mạng đầu tư 41 tuyến, gồm FPT Telecom đầu tư 16 tuyến, VNPT Hà Nội thực hiện 14 tuyến, Tổng công ty Mạng lưới Viettel: 8 tuyến, MobiFone: 3 tuyến; UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị được thực hiện 19 tuyến.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của UBND thành phố tổ chức trung tuần tháng 2 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã không giao cho UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư mà chuyển giao cho các DN viễn thông, điện lực thực hiện. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các DN đầu tư công trình ngầm các tuyến giao đợt 1-2017 (60 tuyến) phải khởi công trong tháng 3-2017, hoàn thành chậm nhất quý III-2017.
Cũng theo Sở Xây dựng, dự kiến đợt 2 năm 2017, Hà Nội sẽ tiếp tục giao các DN hạ ngầm hơn 120 tuyến phố (phấn đấu hết năm 2018 hạ ngầm hết 4 quận nội thành là khoảng 320 phố).
Vẫn vướng thủ tục cấp phép
Theo đại diện của VNPT Hà Nội, năm 2016 VNPT là đơn vị duy nhất hoàn thành nhiệm vụ đầu tư hạ ngầm với 7/7 tuyến (tổng chiều dài 7,6km) được giao. “Trong đợt 1 năm 2017, chúng tôi nhận đầu tư hạ ngầm 14 tuyến có tổng chiều dài 9,8km, đợt 2 đăng ký 20 tuyến tổng chiều dài 13,7km chúng tôi sẽ triển khai ngay để bảo đảm tiến độ thành phố yêu cầu. Song, do chưa có quy trình về ngầm hóa, các bước triển khai vừa thực hiện, vừa tìm hiểu, phối hợp giữa các đơn vị đôi khi chưa đồng bộ, nên tốn nhiều công sức và thời gian” - đại diện VNPT Hà Nội nhấn mạnh. Còn đại diện Ban Quản lý dự án 1 MobiFone kiến nghị, thành phố sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép để thi công thuận lợi...
Như vậy, để thấy rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc thi công của các DN viễn thông, điện lực bị chậm, bên cạnh yếu tố chủ quan của DN như bố trí nguồn vốn, thì còn yếu tố khách quan là thủ tục cấp phép xây dựng vẫn chưa hoàn thiện.
Triển khai việc hạ ngầm dây cáp viễn thông, điện lực, Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối hướng dẫn các DN làm thủ tục. Theo ông Nguyễn Nguyên Trà, Phó Trưởng phòng Quản lý công trình ngầm và môi trường (Sở Xây dựng), Sở đã hoàn chỉnh dự thảo quyết định về việc ban hành “Quy định tạm thời cấp giấy phép thi công hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.
Từ cuối năm 2016, Sở Xây dựng đã đề nghị Sở Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định nói trên để trình UBND thành phố sớm ban hành làm cơ sở cho các DN thực hiện. Tại cuộc họp gần đây, vào trung tuần tháng 2 về việc triển khai hạ ngầm năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vẫn yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tư pháp khẩn trương ban hành văn bản để các DN triển khai thực hiện...
Ngoài ra, một nguyên nhân khác thuộc trách nhiệm của chính các DN cung cấp dịch vụ, đó là sau khi thi công xong hệ thống hạ tầng cống bể ngầm, chủ sở hữu các đường dây thông tin, viễn thông còn chậm thi công hạ cáp vào hệ thống hạ tầng đã xây dựng. Vẫn còn tình trạng các DN không cắt bỏ, hoặc cắt chưa hết các dây cáp cũ trên hệ thống cột, gây chậm trễ trong việc hạ cột của các DN viễn thông, điện lực.
Tại một số tuyến, hệ thống chiếu sáng chưa được cải tạo, hạ ngầm (Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, Khâm Thiên, Bà Triệu thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng) vẫn sử dụng hệ thống cáp treo (trên cột chiếu sáng và cột điện lực), cột bê tông ly tâm, nên chưa thể cắt hạ cột và hạ ngầm triệt để trên tuyến.